Nguy cơ tái phát cao

Từ đầu năm 2020 đến ngày 26/6/2020, trên cả nước, bệnh DTLCP đã phát sinh tại 773 xã (bao gồm 25 xã phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020) tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 34.000 con. Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.

Diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; bên cạnh đó, do dịch bệnh đã được kiểm soát nên một số nơi người dân chủ quan, chưa áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi. Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Bộ Nông nghiệp&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tránh tình trạng chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh.

Tại Quảng Bình, kể từ ngày 27-3-2020, sau khi Sở Nông nghiệp&PTNT có công văn về việc hết bệnh DTLCP, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát hoặc phát sinh mới bệnh DTLCP. Tuy nhiên, trước cảnh báo của Bộ Nông nghiệp&PTNT về nguy cơ cao tái phát bệnh DTLCP, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch song song với việc tăng cường tái đàn lợn.

Tái đàn bảo đảm an toàn sinh học

Trang trại lợn của anh Hoàng Văn Long (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn) hiện đang nuôi 11 con lợn nái. Năm 2019, do mắc bệnh DTLCP, toàn bộ số lợn của trang trại buộc phải bị tiêu hủy. Sau đó, nhờ tích cực thực hiện các giải pháp an toàn sinh học, đầu năm 2020, trang trại của anh đã nhanh chóng tái đàn, liên kết với Công ty Quế Lâm tiến hành nuôi 11 con lợn nái theo quy trình hữu cơ. Hiện, đàn lợn đã bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên.

Nói về việc khôi phục đàn lợn sau bệnh DTLCP, anh Hoàng Văn Long chia sẻ: “Trang trại chúng tôi luôn tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn lợn, đặc biệt là DTLCP. Chúng tôi đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, thức ăn, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh. Bên cạnh đó, trang trại cũng kết hợp triển khai nhiều giải pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, như: phun thuốc sát trùng thường xuyên, rắc vôi bột, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho đàn lợn…”.

Cũng như trang trại của anh Long, trang trại lợn của anh Phạm Văn Tam (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh), anh Võ Văn Dương (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch)… luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học. Để việc tái đàn thành công, các trang trại đã quyết liệt từ khâu mua lợn giống bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh khác trước khi thả nuôi.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã có ý thức cao trong việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Chị Nguyễn Thị Thủy (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) cho biết: “Mặc dù không có điều kiện đầu tư chuồng kín để nuôi lợn, tuy nhiên, gia đình tôi luôn chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, bảo đảm nguồn thức ăn chất lượng, chuồng trại sạch sẽ…”

Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để phòng, chống bệnh DTLCP, bảo đảm cho đàn lợn phát triển an toàn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn ở nông hộ, trang trại với hướng dẫn các yêu cầu cụ thể về bảo đảm chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi; con giống; thức ăn và nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý dịch bệnh… Nhờ đó, các trang trại và nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn đã nắm bắt và thực hiện đúng các nguyên tắc về chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, góp phần phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Trước nguy cơ tái phát bệnh DTLCP cao, Sở Nông nghiệp&PTNT luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, từ đầu năm đến nay, Sở đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường công tác giám sát lưu hành vi rút gây bệnh, đặc biệt với bệnh DTLCP và dịch cúm gia cầm; phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường  kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, tái đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi.

Việc lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút bệnh DTLCP được cán bộ thú y triển khai thường xuyên

 

Nhằm nâng cao ý thức của người chăn nuôi, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã có công văn đề nghị Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP; tập trung phòng, chống bệnh DTLCP phát sinh, lây lan trên địa bàn.

Chi cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; khuyến khích người dân thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi lợn… Cần chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch, khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không khai báo dịch bệnh, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra ngoài môi trường; tổ chức phun tiêu độc khử trùng đại trà theo các đợt phát động của UBND tỉnh hoặc định kỳ, đặc biệt là vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ.

Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã cũng cần tham mưu UBND cấp huyện thành lập đoàn liên ngành nhằm kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương có đường mòn, lối mở biên giới với các nước láng giềng.

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình