Tuy nhiên hạt tiêu được trồng ở đây khá nổi tiếng nhờ chất lượng vượt trội với hương vị cay nồng đặc trưng, khác hẳn hồ tiêu tại các vùng khác do có một quy trình canh tác đặc thù của địa phương từ lâu đời, sử dụng hoàn toàn các loại phân xanh, phân hữu cơ… Thậm chí các loại thuốc bảo vệ sâu bệnh cũng mang tính truyền thống trên cơ sở đặc tính đất đai, giống và nguồn nước nơi đây.

Tháng 4/2010, hạt tiêu Kampot đã được Bộ Thương mại Campuchia cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, hình thành thương hiệu tập thể cho người trồng tiêu tại Kampot. Đến nay hạt tiêu Kampot cũng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI) từ Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên minh châu Âu, qua đó đảm bảo một mức giá nhất định trên các thị trường quốc tế.

Hiện tại diện tích hồ tiêu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI) là 250 ha nằm ở tỉnh Kampot và Kep, trong đó 110 ha đang trong thời kỳ kinh doanh và có khả năng thu hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Ngoun Lay, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu tỉnh Kampot, năm nay nông dân trồng tiêu ở Kampot có mùa gieo trồng không thuận lợi do biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu mùa, hoa của cây tiêu đã bị rụng rất nhiều. Cuối tháng 6 là mùa thu hoạch, sản lượng hồ tiêu ước tính chỉ đạt 75 tấn, giảm 26% so với năm ngoái. Mặc dù vậy sự sụt giảm sản lượng sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.

Năm ngoái, các thành viên của Hiệp hội đã sản xuất được 102 tấn hạt tiêu nhưng chỉ bán được 67 tấn, và hiện đang có khoảng 60 tấn dự trữ.

Ông Lay cũng cho biết thêm rằng, năm nay số các thành viên Hiệp hội và các nhà phân phối đã tăng lần lượt từ 387 nông dân sản xuất hồ tiêu lên 440 nông dân, tăng từ 21 nhà phân phối lên 29 nhà phân phối so với năm ngoái.

Mặc dù người mua vẫn chưa đặt mua hạt tiêu, nhưng Lay cho biết hok không lo lắng nhiều về thị trường vì có nhiều công ty phân phối.

Quỳnh Yến

Theo Phnom Penh Post