Người trồng tiêu lo lắng

Xã Nâm N’Jang được xem là vựa tiêu lớn của huyện Đắk Song, tại đây, có rất nhiều hộ nông dân đã gắn bó với cây tiêu từ nhiều năm trước. Gia đình ông Đào Thành hiện có trên 5 ha hồ tiêu. Theo ông Thành, với giá cả hiện nay thì nguồn thu từ cây tiêu của gia đình ông cũng giảm mất 50%.

Ông Thành cho hay: “Với hơn 5 ha hồ tiêu kinh doanh, những năm được mùa sản lượng đạt khoảng 20 tấn, giá bán dao động từ 180 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/kg gia đình tôi thu về gần 4 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, hiện nay giá mua tại Gia Nghĩa chỉ còn khoảng 110.000 đồng/kg nên thu nhập không được như mấy năm trước”.

Trước tình hình giá liên tục giảm, nhiều hộ vừa đầu tư trồng mới cây hồ tiêu trong một vài năm trở lại đây đều tỏ ra lo lắng. Vì để đầu tư 1 ha tiêu, họ phải bỏ ra từ 400-500 triệu đồng, nếu những năm tới giá tiêu tiếp tục giảm thì khả năng thu hồi vốn và tăng thu nhập từ cây tiêu sẽ rất khó thực hiện.

Ông Trần Văn Hiền ở thôn 6 giải bày: “Năm ngoái, tôi đã xuống giống trên 1 ha tiêu, dự định năm nay sẽ tiếp tục trồng thêm 1 ha nữa nhưng với đà này thì tôi đành dừng lại không dám mở rộng thêm diện tích nữa”.

Quả thật vậy, khi giá hồ tiêu “tuột dốc”, đến những vùng trồng tiêu không khó để bắt gặp cảnh có người tỏ ra bình thản vì không đến nỗi thất thu và có người như “đứng ngồi trên đống lửa” vì đang “đánh cược” vào vườn tiêu mới trồng.

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 7.000 ha hồ tiêu kinh doanh trong tổng số khoảng 14.000 ha. Năm nay, cây công nghiệp dài ngày này tiếp tục cho mức năng suất khá cao, tương đương với năm ngoái, trung bình khoảng 4 tấn/ha. Hồ tiêu được mùa nhưng mất giá nên nông dân thu hoạch trong tâm trạng không vui.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã đạt mức hơn 27.500 ha, tăng hơn 11.000 ha so với năm 2015, sản lượng đạt hơn 34.400 tấn, tăng hơn 12.200 tấn so với năm 2015.

Bài học cho nông dân

Cũng theo ông Sinh thì khoảng 5 năm lại đây, giá hồ tiêu đều ở mức cao, như năm 2015 có lúc lên đến 200.000 đồng/kg nên nhiều nông dân đã ồ ạt trồng. Nhưng năm nay, giá hồ tiêu giảm mạnh là điều có thể dự báo trước. Bởi khi cung vượt cầu thì chắc chắn giá sẽ bị đẩy xuống. Đây đúng là một bài học đắt giá cho nông dân trên địa bàn về việc trồng tiêu chạy theo phong trào, theo diện tích mà không tính toán đầy đủ các yếu tố tác động xấu sẽ xảy đến trong quá trình phát triển sản xuất.

Theo khảo sát thì Đắk Song là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh. Trong đó, hầu hết bà con vẫn canh tác theo hình thức chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa tính đến yếu tố ổn định về lâu dài. Năm 2016, diện tích hồ tiêu trồng mới trên địa bàn đạt khoảng hơn 8.000 ha, trong đó, hầu hết chưa chú trọng đến việc trồng các loại cây che bóng, chắn gió, bón phân chưa đúng cách. Chính vì thế, nhiều vườn tiêu chỉ thu hoạch được trong một thời gian ngắn rồi bị sâu bệnh, đó là chưa kể nhiều vườn đã chết trắng khi chưa kịp vào thời kỳ cho quả.

Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút cũng cho biết: Thực tế thì một số vùng đất thấp ở các xã Đắk Will, Chư K’nia không phù hợp để trồng tiêu. Điều này đã được ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo rất nhiều nhưng vì “hám lợi” nên bà con vẫn làm. Và hậu quả là hai năm nay, trên địa bàn huyện, tiêu chết liên tục, năm nay khoảng 20 ha chết do ngập úng, sâu bệnh.

Tại một cuộc họp mới đây của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết: “Qua việc đi thăm một số mô hình sản xuất hồ tiêu ở Đắk Song vào dịp đầu năm mới Xuân Đinh Dậu, tôi thấy nhiều vườn tiêu đang tiềm ẩn vô số nguy cơ rủi ro. Trong đó, việc nông dân quá chạy theo năng suất, chưa tính đến yếu tố tạo sinh thái cân bằng cho vườn cây. Nếu như bà con vẫn còn mãi miết bám vào vấn đề này thì việc biến thành “cánh đồng tiêu chết” như Đạo Nghĩa, Đắk Sin những năm trước đây rất có thể sẽ xảy ra. Lúc đó, hơn ai hết bà con sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả”.

Phát triển lâu dài phải trồng tiêu sinh học

Trong khi số đông nông dân kém vui vì tiêu được mùa mất giá thì nhiều hộ trồng tiêu sinh thái vẫn không chịu tác động nhiều bởi vấn đề này. Gia đình ông Lê Trọng Quyết ở thôn 4, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) có trên 3 ha hồ tiêu.

Ông Quyết cho biết: “Từ khi chuyển sang trồng tiêu hữu cơ đến nay, vườn tiêu của tôi chưa hề nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm. Sở dĩ tránh được bệnh này bởi gia đình đã tuân thủ 4 nguyên tắc của trồng tiêu hữu cơ, đó là trồng tiêu trên trụ sống, chọn giống sạch bệnh, trồng tiêu trên chân đất có chủ động nước tưới, thoát nước tốt, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo ông Quyết thì trồng tiêu trên trụ sống giúp dây tiêu quang hợp tốt và còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Về cách chăm sóc, do được bón nhiều phân vi sinh và phân chuồng nên đất trong vườn tiêu gia đình ông tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên, nhờ vậy chi phí bón phân hóa học giảm đáng kể.

Theo ông Bùi Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’Jang, cách đây khoảng 5 năm, nhiều nông dân trong xã bắt đầu chuyển đổi sang trồng tiêu theo hướng sinh thái, thân thiện môi trường và thu được nhiều lợi ích rõ ràng.

Ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết: “Trên địa bàn xã thời gian qua cũng đã có nhiều hộ dân chuyển đổi mạnh mẽ và đạt được hiệu quả rõ rệt. Nhiều trang trại, hộ nông dân trồng tiêu với quy mô lớn cũng đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và đạt chứng nhận này. Kết quả là sản phẩm bán ra thị trường có giá cao hơn và đầu ra cũng được bảo đảm hơn”.

Hiện nay, UBND xã Nâm N’Jang đang phối hợp với các ngành chức năng huyện, tỉnh xây dựng một số mô hình điểm, hợp tác xã sản xuất tiêu sạch và vận động người dân tham gia. Theo đó, địa phương sẽ đặt mục tiêu là huy động tối thiểu 50% nông dân trong xã tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng tiêu theo quy trình an toàn sinh học, hướng tới tiêu chuẩn VietGap và xây dựng thương hiệu cho cây tiêu Nâm N’Jang. Đây không chỉ là định hướng của xã Nâm N’Jang, của huyện Đắk Song mà cũng là chủ trương chung của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng, vị thế cây tiêu của Đắk Nông.

Có thể nói, việc giá hồ tiêu xuống thấp sẽ còn diễn ra trong những năm tới, đây là điều được nhiều chuyên gia dự báo khi nhiều diện tích mới trồng của nông dân bước vào thời kỳ kinh doanh. Hơn lúc nào hết, bà con cần có cái nhìn thấu đáo hơn, không chạy theo diện tích mà tập trung vào thâm canh, sản xuất sản phẩm an toàn để tạo đầu ra ổn định.

Theo báo Đăk Nông