Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển số lượng bể là trên 300 chiếc đang được khai thác hiệu quả cho nuôi tôm đa giai đoạn, nuôi thâm canh, siêu thâm canh.

Với khả năng lợi dụng địa hình sẵn có, tận dụng diện tích, khắc phục được sự lỗi thời trong cải tạo hạ tầng khu nuôi thiết kế cũ, giá thành rẻ, vận hành dễ dàng, giảm thiểu rủi ro trong các giai đoạn của toàn bộ chu kỳ nuôi…; bể nuôi tôm nổi di động đang ngày càng được nhiều người nuôi trồng thủy sản quan tâm đầu tư.

Giá thành rẻ

So với đào ao truyền thống, bể nuôi tôm nổi, di động có chi phí chỉ bằng khoảng 1/3, không cần quạt nước, cầu kiểm tra sàng ăn mà vẫn đảm bảo việc quản lý ao nuôi dễ dàng, nhanh chóng. Trong điều kiện thời tiết bất lợi có thể thiết kế hệ thống lưới cắt nắng, vừa rẻ lại có thể tháo dần ra để tôm quen với nhiệt độ không có mái che, giúp tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo đầu con.

Theo nhiều nghiên cứu loại tôm thẻ sinh trưởng tốt hơn khi được ở điều kiện tiếp xúc với sương ban đêm, khắc phục được việc nuôi tôm trong nhà có mái che cố định.

Dễ bố trí không gian lắp đặt

Do tính chất của các bể nuôi di động sử dụng các vật liệu bằng sắt nhúng kẽm, với các khớp nối cơ khí, được bọc bạt, đã được tính toán để có thể chứa nước với chiều cao cột nước khoảng từ 1,2 – 1,4 m, các bể nuôi được thiết kế hình dạng tròn với đường kính tùy theo công năng dùng để chứa, xử lý nước đầu vào (1.000 – 1.500 m3), hay để ương (từ 200 – 500 m3 nước) hoặc để nuôi (từ 500 – 1.500 m3). Đối với các trang trại nuôi mới sẽ bố trí các bể xử lý lắng, lọc nước ở các vị trí cao và các bể ở các giai đoạn nuôi theo độ dốc của địa hình. Không làm biến động, biến dạng đất đai, lợi dụng độ cao địa hình (nếu có) để tạo dòng chảy, tiết kiệm tiền đầu tư cải tạo ban đầu. Đối với các hệ thống ao cũ (trước đây đa số là trung triều và hạ triều với diện tích khá lớn từ 5.000 – 7.000 m2) thì có thể dễ dàng xử lý chống lún, hệ thống thoát nước xung quanh để lắp đặt bể trong lòng ao. Trên các hệ thống bể dễ dàng thiết kế các hệ thống mái che, cắt nắng để nuôi trong thời điểm thời tiết nắng nóng. Quy trình nuôi dễ thực hiện, phù hợp với quy mô nhỏ lẻ lẫn quy mô trang trại. Có thể tháo lắp, di dời bể ương sang vị trí khác, tùy chỉnh kích thước phù hợp với mong muốn thực tế mà không cần bỏ đi hay làm mới hoàn toàn.

Bể xử lý nước cấp lợi dụng độ cao để tạo dòng chảy, cấp nước cho các bể nuôi ở vị trí thấp hơn

 

Dễ dàng lắp đặt, vận hành

Hệ thống các bể nổi di động được thi công rất nhanh, chỉ từ 3 – 5 ngày do các modun kết cấu được tính toán, thiết kế trước trong xưởng cơ khí. Các bể đều được thiết kế hình tròn và có độ dốc lớn về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng. Điều này rất quan trọng vì nếu không gom được thải, mật độ tôm rất lớn trong bể ương sẽ nhanh chóng xả thải và làm cho nước trong bể rất nhanh ô nhiễm, từ đó sinh khí độc, các điều kiện bất lợi phát sinh rất khó kiểm soát và khắc phục. Mặt khác, nếu điều kiện cho phép sẽ có thể lắp đặt hệ thống các bể thấp dần về các giai đoạn sau, khi san tôm ra các bể nuôi hoặc các ao lớn bằng hệ thống ống nước đã lắp đặt trước bằng cách vặn van xả. Điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc san tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với phương pháp sang tôm bằng tay truyền thống. Mặt khác, với diện tích nhỏ, việc bố trí các hệ thống điều tiết nước, khí cũng như kiểm soát các chỉ tiêu môi trường tốt hơn.

Cải tạo hệ thống ao cũ để lắp đặt bể nuôi nổi, di động

 

Nuôi tôm ở mật độ cao, kiểm soát tốt mầm bệnh

Trong nuôi tôm giai đoạn 1, tôm giống được ương khoảng 20 – 25 ngày với mật độ 1.500 – 2.500 con/m2, trọng lượng đạt 800 – 1.000 con/kg. Giai đoạn 2, chuyển tôm sang bể nuôi có diện tích lớn hơn có mật độ thả nuôi khoảng 300 con/m2. Sau từ 80 - 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 - 50 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Thực tế theo dõi mô hình và tiếp tục theo dõi triển khai, nhân rộng sau mô hình, chúng tôi thấy đã giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm trong giai đoạn 20 ngày sau khi thả giống (hội chứng EMS). Tỷ lệ tôm sống đến cuối chu kỳ đạt trên 80% do không sử dụng kháng sinh hóa chất trong quá trình nuôi, không gây tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm chi phí nuôi từ 10 – 20% so với các quy trình nuôi thông thường khác. Sản lượng bình quân có thể đạt từ 48 đến 60 tấn/ha…

Trong thời gian tới đây. Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển ngành tôm như công nghệ vi sinh, biofloc, hệ thống tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System - RAS), công nghệ xử lý nước nuôi tôm bằng tia cực tím (UV), ozon… Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh, cải tiến các mô hình nuôi hiệu quả trên những kết quả của mô hình nuôi tôm trên trên bể nổi di động hiện nay, từng bước góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững tại Quảng Ninh.

Nguyễn Bá Lâm

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh