Để về đích, Kim Bảng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân đoàn kết, chung sức, chung lòng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tận  dụng tốt thời điểm  phong trào xây dựng NTM đã lan rộng ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, trở thành sức mạnh quan trọng hướng tới mục tiêu các huyện của tỉnh sẽ xây dựng và đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Huyên Kim Bảng đã chỉ đạo, thực hiện phải “mới” từ mỗi nhà đến xóm, thôn rồi lan ra cả xã, rồi thành cả huyện nên đến hết năm 2017, 100% số xã của huyện Kim Bảng đạt chuẩn NTM.

Huyện Kim Bảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân, chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện chú trọng công tác phối hợp thực hiện, huy động sức mạnh tổng hợp, mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới... Trước tiên Kim Bảng đã hoàn thành tốt các tiêu chí xã NTM, hầu hết các tiêu chí đều đạt 100% trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tiếp đó đã phấn đấu thực hiện các tiêu chí của huyện NTM, nhất là thực hiện thành công các tiêu chí trong nông nghiệp nông thôn.

Để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Trong sản xuất hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch. Mô hình liên kết thực hiện theo một trong hai hình thức: Có hợp đồng thu mua sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng ổn định từ 02 năm trở lên; Hoặc có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất của nông dân và cung ứng các yếu tố đầu vào, vốn, kỹ thuật để đạt được sản lượng, chất lượng nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và tổ chức đại diện của nông dân, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho nông dân. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với 306 máy làm đất các loại, 49 máy gặt đập liên hợp, 03 máy cấy đảm bảo cơ giới hoá 100% khâu làm đất, 84% khâu thu hoạch, 38,9% khâu cấy....

Với sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây lúa, đậu tương, bí, dưa ở vụ đông, huyện Kim Bảng đã thực hiện dồn đổi ruộng đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sự liên kết chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm chủ lực; chỉ đạo các địa phương, hộ nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất và thực hiện các mô hình liên kết có hiệu quả. Điển hình năm 2017 xây dựng được 16 cánh đồng mẫu với diện tích 569 ha liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các công ty. Hiệu quả kinh tế của các mô hình đều tăng thêm trên 12 triệu đồng/ha (tăng 20-25%) so với sản xuất lúa đại trà. Vụ đông sản xuất cây hàng hóa, cây xuất khẩu như cây bí, ngô, dưa xuất khẩu liên kết với các công ty chế biến nông sản xuất khẩu từ 500 ha năm 2010 lên 1.217,5 ha năm 2017, sản lượng từ 5.997 tấn lên 25.565,3 tấn.

Đồng thời huyện chỉ đạo các địa phương tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông sản sạch với quy mô tối thiểu 10 ha/xã. Đến nay các xã đã tích tụ, tập trung ruộng đất được 155 ha (135 ha trồng lúa; 20 ha rau, củ, quả) và đã ký kết với các công ty  bao tiêu 100% sản phẩm sản xuất ra. Tiêu biểu: Mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa chất lượng cao giữa HTX Ngọc Sơn, Nguyễn Úy, Đại Cương, Đồng Hóa, Tượng Lĩnh, Thụy Lôi với Công ty TNHH An Phát với quy mô 155 ha, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng thêm 12,5 triệu đồng/ha (tăng 21%) so với sản xuất lúa đại trà; Mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất rau, củ, quả sạch liên kết với các công ty, đơn vị bao tiêu sản phẩm được 08 mô hình với diện tích 20 ha tại xã Thi Sơn, Đồng Hóa, Tân Sơn, Văn Xá, Tượng Lĩnh, Thanh Sơn giá trị cho thu nhập gấp 5-7 lần so với trồng lúa...

Đối với nuôi trồng thủy sản, huyện xây dựng 2 khu nuôi trồng thủy sản tập trung: Tại xã Khả Phong có diện tích 114,8ha, sản lượng cá 368 tấn; Tại xã Hoàng Tây, Văn Xá có diện tích 75,5 ha, sản lượng 444 tấn. Thành lập 1 HTX nuôi trồng thủy sản ở Văn Xá để cung ứng thức ăn, giúp đỡ nhau về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chăn nuôi lợn có 3 hộ chăn nuôi gia công cho CP quy mô từ 50-100 con nái; 04 khu chăn nuôi tập trung. Gia cầm chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp chiếm 70% tổng đàn gia cầm trong toàn huyện. Phát triển các con nuôi gia cầm đặc sản cũng là hướng mới nâng cao giá trị sản xuất như nuôi chim trĩ, nuôi gà Đông Cảo, vịt trời… Thực hiện chăn nuôi bò sữa hiện nay đã có 53 hộ tham gia, nuôi tại Trung tâm bò sữa Ba Sao với tổng đàn 322 con (Công ty bò sữa 61 con, các hộ trên địa bàn 261 con), sản lượng sữa đạt trên 3,0 tấn sữa tươi/ngày.

Nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, hợp vệ sinh và tiết kiệm các loại dinh dưỡng cho vật nuôi; áp dụng  công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học (biogas)… Nhờ đó môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hiện Kim Bảng xây dựng được 3 cụm công nghiệp (Biên Hòa, Thi Sơn và Nhật Tân) thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề: giấy xuất khẩu, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ... Các làng nghề được quan tâm phát triển, đặc biệt là bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Quyết Thành. Đã có 5 nhà đầu tư gốm, sứ được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với số vốn 21,4 tỷ đồng. Các làng nghề đã thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhờ được tạo việc làm và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đều đạt tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đạt dưới 2% (bình quân chung các xã đạt 1,23%).

Qua thẩm tra, Sở Nông nghiệp & PTNT xác nhận: Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, huyện Kim Bảng đã đạt chuẩn Tiêu chí số 3 về Thủy lợi, Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất, chỉ tiêu 17.1 của tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Tiêu chí số 3 về Thủy lợi, Tiêu chí số 6 về Sản xuất trong Tiêu chí huyện NTM theo đúng quy định, góp phần vào thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí NTM. Với những thành quả của xây dựng NTM, ngày 24/8/2018, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 1069/QĐ - TTg công nhận huyện Kim Bảng đạt chuẩn NTM. Trong niềm phấn khởi, nhân dân và cán bộ huyện Kim Bảng đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017 và cờ thi đua của Chính phủ năm 2018 trong cuối năm vừa qua. Nhiệm vụ tiếp theo, Kim Bảng triển khai ngay việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu, củng cố và nâng cao 9 tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu đến hết năm 2020 trở thành huyện NTM kiểu mẫu. 

Mai Huê 

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam