Diễn đàn có sự tham gia của đại biểu và nông dân các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

 

Chăn nuôi chưa ổn định

 

Theo số liệu thống kê của Cục Thú y, hiện nay cả nước có hơn 28.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó hơn 10.500 điểm giết mổ không được giám sát, kiểm soát của cơ quan thú y. Một số tỉnh đã xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung nhưng quy trình giết mổ vẫn không được tuân thủ. Tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm hình thành tự phát cả về vị trí và quy mô. Ở mỗi thôn xóm, xã đều có hộ giết mổ, kinh doanh thực phẩm, công suất giết mổ lợn, trâu bò từ 1- 3 con/ngày, hộ nhiều từ 5-10 con/ngày. Các điểm giết mổ này có diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất tồi tàn không đảm bảo vệ sinh thú y, quá trình giết mổ đều được thực hiện ngay trên sàn; trang thiết bị dùng trong giết mổ khá tùy tiện, thủ công; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan chưa qua xử lý, không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng. Do vậy, hầu hết các điểm giết mổ này mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Tại khâu tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm thịt lợn chết, thịt lợn bị bệnh, thịt lợn ôi thiu được nhúng hóa chất để thành lợn tươi cũng đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng và báo chí phát hiện.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG cho biết: Mặc dù là quốc gia có sản lượng thịt lợn khá cao trên thế giới, song Việt Nam vẫn không có mặt trong các quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới. Nguyên nhân chính là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta chiếm tới 65% nên rất khó đáp ứng về chất lượng và sản lượng. Đã nhiều năm nay, người tiêu dùng trong nước phải đối mặt với sản phẩm thịt lợn không an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ. Tình trạng dùng chất cấm, chất tạo nạc, hóa chất, kháng sinh không được phép sử dụng trong chăn nuôi diễn ra ngày càng phổ biến, khâu giết mổ gia súc không được kiểm soát chặt chẽ.  
    TS. Phan Huy Thông phát biểu tại Diễn đàn

 

 Không những vậy, ngành chăn nuôi ở nước ta đã gặp phải rất nhiều khó khăn như: giá cả bấp bênh, bệnh dịch xảy ra liên miên từ năm này qua năm khác, việc sử dụng chất cấm và dư thừa kháng sinh trong chăn nuôi ngày càng phổ biến, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm... Hậu quả là hàng ngàn hộ chăn nuôi đã bị thua lỗ nặng nề, phải bỏ nghề. Năm 2013, tính đến thời điểm tháng 12, cả nước không còn địa phương nào có dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày, dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày chỉ còn có ở tỉnh Hòa Bình. Chăn nuôi gia súc, gia cầm những tháng cuối năm mặc dù có thuận lợi về thị trường tiêu thụ do giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi chưa thật ổn định.

 

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

 

 

Các đại biểu tham quan chợ Cầu, xã Vĩnh An

 

Trước thực trạng đáng báo động này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhằm giám sát, quản lý chất lượng, có thể dễ dàng truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

 

TS Phan Huy Thông cho rằng: Đây là một vấn đề rất nóng trên các diễn đàn, Quốc hội và trong sinh hoạt đời thường của người dân. Làm thế nào để sản xuất chăn nuôi có hiệu quả, tức là sử dụng thức ăn tốt, con giống tốt, để người dân có lãi là bài toán khó trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt...

 

Thời gian qua, các chương trình dự án khuyến nông chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng đã tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho bà con nông dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật, đưa chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ dần dần trở thành chăn nuôi tập trung, hàng hóa, có hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, các dự án trên chỉ thực hiện được một vài mắt xích trong chuỗi thực phẩm an toàn như kiểm soát đầu vào về con giống, thức ăn, vệ sinh thú y và kiểm soát dịch bệnh... Thông tin về thị trường và làm cầu nối với các doanh nghiệp để giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Chưa kiểm soát được khâu giết mổ. Chưa hình thành nhiều các liên kết ổn định giữa người sản xuất và người tiêu thụ, liên kết tổ hợp tác xã; Chưa có sự tham gia giám sát của cộng đồng trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Chưa tuyên truyền và vận động mạnh mẽ về lợi ích của việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và trách nhiệm của các bên có liên quan. Thiếu cơ chế chính sách tạo động lực cho phát triển sản xuất kinh doanh thịt lợn chất lượng cao (tạo phân khúc thị trường, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Chưa có một quy trình thống nhất và cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, nên đã không thu hút được các doanh nghiệp và người nông dân cùng nhiệt tình tham gia hưởng ứng sản xuất sản phẩm nông thủy sản an toàn.

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông nhấn mạnh, để thiết lập chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng trong chăn nuôi lợn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 

- Áp dụng khoa học kỹ thuật để chăn nuôi có hiệu quả hơn, tăng năng suất vật nuôi và giảm giá thành sản phẩm. Muốn vậy phải nuôi quy mô tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, con giống phải có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y...

 

- Đảm bảo lòng tin với người tiêu dùng bằng cách chăn nuôi theo quy trình an toàn để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm.

 

- Dùng hàng rào kỹ thuật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn sản phẩm. Đây là giải pháp lâu dài và cơ bản mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang áp dụng. Sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc để hạn chế bớt các sản phẩm không an toàn và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Vừa làm tốt quy trình sản xuất, phải có chứng nhận truy xuất nguồn gốc để chăn nuôi có thể đứng vững khi thị trường mở cửa.

 

- Tăng cường các chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về quy trình chăn nuôi chuẩn, con giống tốt, vật tư vệ sinh phòng dịch, chống dịch, xử lý môi trường những vùng chăn nuôi tập trung…

 

- Đào tạo nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và năng lực cạnh tranh trong nước. Đặc biệt, tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách về triển khai chuỗi liên kết thực phẩm an toàn đến các đối tượng liên quan; Xây dựng kênh truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chuyên về chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; Quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ các mô hình; Tổ chức các đoàn công tác của các địa phương đi thăm quan thực tế mô hình kiểm soát theo chuỗi hiệu quả để học tập kinh nghiệm và nhân rộng.

 

Trưng bày các hiện vật phục vụ quy trình chăn nuôi an toàn tại Diễn đàn

 

Nguyễn Viết Tiến Hoàn - TTKNQG