Toàn cảnh Diễn đàn

Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 697.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó Long An chiếm phần lớn diện tích. Nuôi thủy sản tại vùng Đồng Tháp Mười đã có từ lâu đời và mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân. Thế mạnh của vùng là nuôi thủy sản trong mùa lũ, với các mô hình nuôi lồng, vèo trên sông hoặc nuôi trong ao hay nuôi cá trên ruộng lúa. Các đối tượng nuôi chính là các loại cá đồng như: cá lóc, trê vàng, rô, cá tra, tôm càng xanh, thát lát, cá mùi, rô phi, sặc rằn, điêu hồng, chép,...

Theo số liệu thống kê đến năm 2018, diện tích thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười là 14.713 ha, trong đó tỉnh Long An chiếm phần lớn là 9.170 ha; Sản lượng thủy sản nuôi nước ngọt đạt 634.465 tấn, trong đó sản lượng cá tra chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đối tượng nuôi còn lại. Nuôi trồng thủy sản đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế của vùng, là ngành mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nuôi trồng thủy sản có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười

Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng bất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh thủy sản phát sinh. Quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập. Nuôi trồng thủy sản chưa chú trọng tới việc đa dạng hóa loài nuôi, làm tăng tính rủi ro và giảm tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Giống thủy sản ở các địa phương khó kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Công tác quản lý chất lượng đầu vào và giám sát quá trình sản xuất, điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản gặp nhiều khó khăn. Công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương còn chưa có hoặc hoạt động chưa hiệu quả. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn bị ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Khâu tổ chức, quản lý và dịch vụ hậu cần cho nghề nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Đây chính là những lý do để tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Giải phát phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững vùng Đồng Tháp Mười”.

Diễn đàn thu hút 202 đại biểu tham dự đến từ 05 tỉnh: Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Các đại biểu đã tham quan mô hình ương nuôi cá bản địa theo hướng an toàn sinh học của Công ty TNHH Đại Thành tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Long An. Ban cố vấn tại Diễn đàn đã giải đáp 23 câu hỏi của nông dân về kỹ thuật nuôi cá tra, nhân giống cá, nhận biết và phòng trừ bệnh hại, môi trường nuôi, chính sách… Ngoài ra, nông dân mang theo cá bệnh đến để đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia.

Các đại biểu tham quan mô hình ương nuôi cá bản địa theo hướng ATSH

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Hoài Giang, Phân Viện trưởng Phân viện Kinh tế Quy hoạch thủy sản phía Nam cho rằng: Hiện nay mới chỉ có quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho từng tỉnh trong vùng Đồng Tháp Mười mà chưa có quy hoạch nuôi trồng thủy sản chung cho cả vùng. Do đó, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ mô hình nuôi cá tra, phần lớn người dân nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, không đồng bộ, vì thế cần xây dựng đề án cho phát triển cá nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.

Theo ông Trần Thanh Phong, Phó tổng thư ký Hiệp hội cá tra, cải thiện chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu là cần thiết để ngành cá có thể phát triển bền vững.

Ông Trần Công Khôi, Vụ Phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản nhấn mạnh, để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ con giống từ nơi sản xuất, tăng cường kiểm dịch để đảm bảo chất lượng giống, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết bệnh trên cá nuôi tại Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng hợp các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững như sau:

- Về công tác quản lý của ngành và địa phương: Cần quy hoạch vùng nuôi và quản lý quy hoạch; Đầu tư và tạo điều kiện cho phát triển vùng sản xuất tập trung; Quản lý đầu vào của sản xuất: nguồn giống, thức ăn, chế phẩm..; Tạo điều kiện về cơ chế cho những doanh nghiệp, nông hộ mở rộng quy mô sản xuất theo hướng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản...

- Về kỹ thuật nuôi trồng: Tiếp cận và phổ cập nhanh nhất tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản nước ngọt; Thống nhất quy trình nuôi chung của vùng, đồng thời linh hoạt trong điều kiện đặc thù của khu vực....; Nắm vững kỹ thuật xử lý những bất thường trong sản xuất; Kỹ năng phòng trừ bệnh hại; Nắm vững thông tin về những rào cản kỹ thuật của một số thị trường chính và biện pháp cần tuân thủ.

- Về chính sách: triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản dưới luật.

Trên cơ sở đó, TS Trần Văn Khởi đề nghị:

- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh trong vùng cần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng các đối tượng cá nước ngọt chủ lực. Đề xuất từ nguồn kinh phí địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất của người nuôi, đặc biệt phòng trừ bệnh hại và quản lý môi trường nuôi, tiếp tục tư vấn cho nông dân các cấp.

- Đối với Viện nghiên cứu thủy sản: nhanh chóng tổng kết những tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nông hộ, hệ thống khuyến nông địa phương để mở rộng phục vụ sản xuất đại trà.

- Đối với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất với người nuôi theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện phát triển bền vững cả cho doanh nghiệp và cả nông dân./.

Đỗ Tuấn – Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia