Một người con sinh ra từ miền đất “Công tử Bạc Liêu”, lập nghiệp ở Yên Bái, nhờ biết tận dụng lợi thế có sẵn của gia đình cộng với nắm bắt cơ hội hỗ trợ sản xuất từ các chính sách của tình, gia đình anh đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Sinh ra ở miền sông nước Bạc Liêu, cuộc sống khó khăn nên đến tuổi trưởng thành anh Nguyễn Kim Lến ra Hà Nội làm thuê kiếm sống, rồi phiêu bạt lên Yên Bái làm ăn. Ngày anh lập gia đình cũng là chuỗi ngày anh cảm thấy gánh nặng cuộc sống đè lên vai, dù đã vất vả làm ăn nhưng vẫn khó khăn. Sau khi đi tham quan tìm hiểu một số mô hình làm kinh tế của người dân trong thôn, thấy nhiều gia đình đã khá giả và giàu lên nhờ nuôi cá lồng, lại thấy các hộ nuôi cá lồng được nhà nước hỗ trợ nên năm 2016, dồn hết vốn liếng tích góp của gia đình, cộng thêm vay mượn người thân, anh Lến quyết định lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng.

Ban đầu do chưa có nhiều vốn cộng với thiếu kinh nghiệm nên anh “khởi nghiệp” bằng 2 lồng cá, mỗi lồng hơn 100 m3. Anh lựa chọn những loài cá dễ nuôi, dễ bán lại đem lại hiệu quả kinh tế như: cá trắm, cá rô phi đơn tính… Ngay từ năm đầu tiên, do được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước nên cá của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng.

Thấy đây là cách làm hiệu quả, không những tận dụng được mặt nước nuôi cá của hồ Thác Bà, lại có nhiều ưu điểm như: dễ chăm sóc, nuôi được ở mật độ cao, cá lớn nhanh, tốn ít công lao động, lại tận dụng được phế phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp nên đem lại lợi nhuận cao, đầu năm 2018, anh tiếp tục mạnh dạn đầu tư đóng mới 4 lồng để nuôi thêm 1 số loài cá đặc sản như: cá lăng, cá nheo….

Theo kinh nghiệm của anh Lến, để nuôi cá lồng đem lại hiệu quả cao không khó, nhưng người nuôi cần chú ý đến thời tiết và đặc biệt là mực nước của địa điểm cắm lồng để điều chỉnh cho phù hợp với tập tính của từng loài cá nuôi. Anh cũng cho biết thêm, nếu so với nuôi trâu bò, gia cầm thì nuôi cá lồng lãi hơn nhiều. Con cá ở dưới nước nên dịch bệnh, rủi ro ít, chỉ cần chú ý một chút và có thêm ít kinh nghiệm về nuôi cá lồng thì đem lại nguồn thu đáng kể. Đến nay, với 8 lồng cá các loại, chỉ tính từ đầu năm đến nay gia đình anh đã bán ra thị trường hơn 2 tấn cá, đem lại nguồn thu gần 200 triệu đồng, trừ đi chi phí cũng cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Có được thành quả trên, ngoài bản tính cần cù lao động, học hỏi kinh nghiệm của các hộ lân cận, còn có sự quan tâm hỗ trợ về vốn, sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông mà việc nuôi cá lồng không còn bỡ ngỡ với anh như ngày đầu. Những gì mà anh Lến đạt được ngày hôm nay không thể không kể đến vai trò quan trọng của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện đối với người dân. Cũng nhờ có các chính sách này, giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cao Thị Thủy

Trung tâm DV, hỗ trợ PTNN huyện Yên Bình, Yên Bái