Để góp phần hạn chế sâu bệnh hại, gia tăng quần thể thiên địch, bảo vệ lúa và môi trường, nâng cao thu nhập, năm 2018, được sự hỗ trợ của các ban ngành, Hợp tác xã Hưng Vĩnh, pường Đông Vĩnh, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình "Quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa bằng công nghệ sinh thái" được nông dân gọi là "ruộng lúa bờ hoa" với diện tích 1.500m2 trong vụ lúa Đông Xuân.

Thực hiện mô hình, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật TP. Vinh đã tập huấn kỹ thuật cho 30 hộ dân và hỗ trợ các giống hoa, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học.

Mô hình "ruộng lúa bờ hoa" tại HTX  Hưng Vĩnh, TP. Vinh, Nghệ An

Tại hội thảo mô hình, các hộ tham gia mô hình, bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương đều đánh giá mô hình "ruộng lúa bờ hoa" mang lại hiệu quả rất lớn, vì nó dẫn dụ thiên địch tìm đến và ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié... nên không cần phun thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng mô hình này giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và nâng cao trình độ kỹ thuật của người dân, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Qu đó giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống tốt hơn. Ðây là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Qua mô hình thí điểm thành công, có thể nhận thấy: Ðể thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, độ rộng hợp lý, nhất là không bị ngập úng hay mặt bờ quá hẹp. Các loài hoa lựa chọn trồng trên bờ phải  có tác dụng thu hút, nhân nuôi tốt các loài côn trùng có ích, nhất là loài ong ký sinh, bao gồm nhiều loại như: hoa sao nhái, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa quỳ, hướng dương, bông trang,... Những loài hoa này nên trồng trước khi gieo cấy lúa, tốt nhất là khoảng một tháng để thu hút các loài côn trùng có ích trước khi cây lúa cần bảo vệ.

Trần Thị Hoài Phương

TTKN Nghệ An