Để tránh ảnh hưởng đến ấu trùng rươi đang phát triển ở lớp đất phía dưới mặt ruộng lúa, mô hình sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ (phân gà hoai mục,) không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ…

Vụ mùa 2020, thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa như đầu vụ, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp làm hạn chế khả năng đẻ nhánh, tỷ lệ dảnh hữu hiệu thấp; kết hợp ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 làm phát sinh bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại. Việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, làm sâu cuốn lá, sâu đục thân phát sinh gây hại nhiều hơn so với sản xuất đại trà cũng là những yếu tổ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

Năng suất lúa thơm RVT trong mô hình đạt 22,22 tạ/ha (tương đương 80 kg/sào). Chất lượng gạo tốt, trong bóng, không bạc bụng, cơm trắng, dẻo ngon, vị đậm hơn, có mùi thơm nhẹ. Giá bán thị trường thóc RVT là 13.000 – 15.000 đồng/kg, cao hơn so với giống đại trà canh tác truyền thống nên vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân.

Canh tác lúa theo hướng hữu cơ cho hạt gạo sạch, bảo vệ môi trường, khai thác nguồn lợi từ con rươi

 

Đặc biệt, trước đây các hộ dân chỉ khai thác rươi tự nhiên mà không cải tạo làm cho đất dần bị hoang hóa, chai cứng; mật độ rươi thấp, trung bình 60 lỗ rươi/m2. Sau khi cấy lúa, đất được cải tạo tơi xốp hơn, thích hợp cho rươi phát triển, cùng với việc thả bổ sung giống rươi (2 triệu con/ha) làm cho mật độ lỗ rươi tăng hơn gấp 3-5 lần. Dự kiến năng suất thu hoạch rươi đạt 8 tạ/ha.

Kết quả bước đầu của mô hình nuôi rươi kết hợp cấy lúa cho thấy sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ đem lại hạt gạo sạch, có giá trị kinh tế cao, mà còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất; đồng thời khai thác được nguồn lợi lớn từ đặc sản rươi.

Đây là khởi đầu để mở ra hướng canh tác bền vững trên những vùng nuôi rươi của tỉnh Thái Bình.

Trần Diệu Linh

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình