Một hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel

Israel thực sự là một kỳ tích của ngành nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, con người có thể vượt qua các yếu tố bất lợi của thiên nhiên.

Với một diện tích có tới hơn 60% là sa mạc hoặc bán sa mạc, lượng mưa ở những vùng nông nghiệp chính như thung lũng Arava (chiếm hơn 60% tổng sản lượng rau xuất khẩu của Israel) chỉ đạt chưa đến 120mm một năm, Israel đã tự chủ được 95% nhu cầu lương thực cho toàn quốc, xuất khẩu nông nghiệp đạt 3,6% tổng sản lượng xuất khẩu với thị trường lớn nhất là EU.

Thành tựu lớn nhất mà Israel đạt được là họ đã phát minh ra những công nghệ có thể tối ưu hoá nguồn nước ít ỏi và nhiễm mặn nặng của mình để làm tăng tối đa sản lượng cho cây trồng nông nghiệp. Công nghệ đầu tiên phải kể đến là công nghệ tưới nhỏ giọt được phát minh từ những năm 1960.

Nước là nguồn tài nguyên đang trong tình trạng khan hiếm ở trên thế giới và việc sử dụng nguồn nước hiệu quả là điều tối quan trọng cho nông nghiệp trong thời kì biến đổi khí hậu.

Hiện nay có 3 kiểu tưới chủ yếu cho nông nghiệp trên thế giới. Kiểu đầu tiên và cũng là phổ biến nhất được dùng, chủ yếu được dùng bởi các nền nông nghiệp còn kém phát triển như Việt Nam, là tưới tràn - hiểu cơ bản là chỉ đơn giản tưới nước lên trên hoa màu. Cách tưới truyền thống này đang chiếm khoảng 80% trên tổng số 3 kiểu tưới.

Theo Naty Barak, một giám đốc tại Netafirm - công ty đã phát minh ra cách tưới nhỏ giọt, thì kiểu tưới này không chỉ làm tốn tài nguyên nước mà còn có hại cho mặt đất canh tác khi nước làm sáo trộn mặt đất.

Công nghệ nuôi tảo từ khí thải nhà kính của các nhà máy

Kiểu tưới thứ hai, tưới phun đang chiếm khoảng 15% trên tổng số, mặc dù có tiết kiệm nước hơn kiểu tưới tràn nhưng vẫn lãng phí đáng kể nước khi lượng nước đọng trên bề mặt sẽ bốc hơi nhanh chóng mà không đến được tận gốc rễ của cây trồng. Trong điều kiện này thì kĩ thuật tưới nhỏ giọt thực sự là một cuộc cách mạng trong cách dùng tài nguyên nước trong nông nghiệp.

Được phát minh bởi hai cha con Simcha và Yeshahashu Blass vào năm 1959, hệ thống tưới nhỏ giọt này được các nhà khoa học đánh giá là hiệu quả đến 97% nếu xét trên phương diện nước đến thẳng được gốc rễ của cây trồng thay vì bốc hơi và bị lãng phí.

Các đánh giá độc lập của Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ ra rằng kiểu tưới nhỏ giọt hiệu quả hơn tưới phun - kiểu tưới tiết kiệm thứ hai - từ 20 cho đến 50%. Sự kì diệu của hệ thống tưới nhỏ giọt là cây trồng được nhận cùng một lượng nước như nhau không sai đến một ml và cây trồng ở các vị trí khác nhau cũng nhận được lượng nước y hệt nhau, bất kể là trên đồi hay dưới đồi. Dọc hệ thống tưới nhỏ giọt là các van khoá thông minh. Chúng được thiết kế để cùng làm việc với nhau, các động tác mở, đóng đều được tự động hoá.

Cũng theo Naty Barak, những chiếc van này được thiết kế đặc biệt để không bị tắc, không bị rỉ, tự làm sạch. Điểm đặc biệt của những hệ thống tưới nhỏ giọt là không chỉ vận chuyển nước tiết kiệm nhất mà hệ thống còn được hoà cùng với các chất của phân bón. Người trồng vì vậy có thể yên tâm là cây trồng được nhận đủ lượng nước và phân bón cần thiết ở mức tiết kiệm nhất.

Những áp dụng công nghệ cao của Israel trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở công nghệ tưới nhỏ giọt. Ở Trung tâm Agrocenter, đặt tại sa mạc Negev - vùng sản xuất nông nghiệp chính của Israel, các nhà khoa học đã nghiên cứu chủng loại cây trồng nào phù hợp nhất với khí hậu gần như không có mưa ở đây và nguồn nước, ở mức tốt nhất, vẫn mặn hơn nguồn nước uống được khoảng 10 lần.

Thiên đường giữa sa mạc

Với việc các trung tâm nghiên cứu hạt giống liên tục cho ra những loại giống mới được thiết kế biến đổi gen đặc biệt để phù hợp với điều kiện của Israel, nhiệm vụ của Agrocenter là tiếp tục nghiên cứu xem những loại hạt nào là phù hợp nhất với vùng này, đặc biệt là việc phù hợp nguồn nước.

Michal Amichai, Giám đốc Trung tâm Agrocenter, cho rằng công việc khó khăn nhất cho những trung tâm lựa chọn giống cây trồng như của bà là tìm được mức nước phù hợp với giống cây trồng phù hợp. Cụ thể là nước nhiễm mặn ở sa mạc Negev sẽ được pha với nước sạch không mặn tinh khiết được đem đến từ nhà máy khác. Hai nguồn nước này được pha với nhau bởi một máy tính hiện đại làm ổn định nguồn nước nhiễm mặn. "Tỉ lệ nước nhiễm mặn được dùng càng nhiều thì giá thành càng rẻ, kéo theo lượng nước ngọt cần dùng càng ít đi", bà Amichai kết luận.

 
Agrocenter chỉ là một trong rất nhiều trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao cho từng vùng tại Israel, cũng như việc đây chỉ là hai trong số rất nhiều thành tựu của Israel trong việc chiến thắng điều kiện thiên nhiên để làm nông nghiệp. Với việc biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp kéo theo việc tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm và thất thường ở những nước có nền nông nghiệp lớn nhưng còn hạn chế về mặt kĩ thuật như Việt Nam, những kinh nghiệm của Israel là rất qúi báu và đáng học hỏi.

 Theo nongnghiep.vn