Với khuôn mặt rạng rỡ niềm tự hào khi nghĩ về sự hồi sinh của ngành ca cao, ông Cuthbert Monrocq, một nông trồng ca cao địa phương cho biết, ngành công nghiệp ca cao ở đây đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng đang trên đà phát triển trở lại.
Cuthbert là một nông dân đã trồng ca cao được 24 năm. Khởi nghiệp là một người lao động tại một trang trại địa phương nhưng qua nhiều năm, kiến thức về ca cao của ông không chỉ ngày càng được tích lũy mà cả kỹ năng kinh doanh của ông cũng ngày càng phát triển. Trang trại của gia đình ông rộng 9,5 mẫu đất nông nghiệp – cây trồng chính là ca cao. Ngoài ra ông còn trồng nấm, rau và tổ chức trang trại theo mô hình sinh thái cho nông dân các nơi đến tham quan học tập.
Ông cho biết ông bắt đầu trồng ca cao vào năm 2000 và tự hào về việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững, thân thiện với môi trường. Ông cũng luôn tuyển chọn các giống ca cao có chất lượng tốt và được ưa chuộng, cung cấp vật liệu ghép, hướng dẫn nông dân tại địa phương nhân giống ca cao, duy trì nguồn cung cấp sản phẩm cho chuỗi khách sạn, thị trường ca cao trên đảo Lucia.
Năm 2018, Cuthbert thành lập một tổ chức tại cộng đồng để đào tạo những nông dân trẻ. Niềm đam mê của ông đối với ngành ca cao sâu sắc đến mức ông đã biến ngôi nhà của mình thành cơ sở chế biến ca cao. Trong khi việc tu sửa đang được tiến hành, ông sống trong một căn nhà nhỏ, thường được sử dụng để làm nhà kho trong trang trại của mình.
Với kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng của Cuthbert về ca cao, Tổ chức FAO cùng với Bộ Nông nghiệp ở Saint Lucia đã mời ông chia sẻ kiến thức chuyên môn tại lớp tập huấn nhằm khôi phục ngành ca cao trên đảo Lucia.
Lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 40 nông dân, nhà chế biến nông sản và cán bộ khuyến nông về các phương pháp thực hành tốt nhất trong sản xuất và chế biến ca cao. Nông dân đã được chia sẻ kinh nghiệm về quản lý dịch hại tổng hợp, chẳng hạn như xác định sâu bệnh, cắt tỉa hợp vệ sinh, thiết kế hệ thống thoát nước thích hợp để quản lý độ ẩm và các biện pháp xử lý thích hợp trong canh tác ca cao. Học viên cũng được tìm hiểu về các dụng cụ, kỹ thuật thu hoạch, phương pháp tách vỏ và tách hạt đúng cách, các giai đoạn và dấu hiệu của quá trình lên men và cuối cùng là cách sấy khô và bảo quản hạt cacao để tránh thất thoát.
“Tôi đã làm cán bộ khuyến nông của Bộ Nông nghiệp từ năm 1983 đến năm 2010, vì vậy được mời tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn này khiến tôi cảm thấy rất tuyệt vời”, Cuthbert thốt lên. “Điều tôi thích nhất là chứng kiến sự hiểu biết của người tham gia về sự khác biệt trong mùi vị và mùi khi họ trải nghiệm các loại sô cô la khác nhau - từ vị đắng đến vị ngọt cho đến hương trái cây, hương hoa và hương sô cô la đậm.”
“Ca cao của chúng tôi là một trong những loại ca cao ngon nhất và hoàn hảo nhất trên thế giới để tạo ra sô cô la đậm đà. Nó mang đến cơ hội vàng để trở thành nguồn thu chính cho Saint Lucia cùng với việc trao quyền cho những các bạn trẻ khởi nghiệp cùng cây ca cao”, Cuthbert nói.
|
|
Cuthbert đã trồng ca cao hơn 24 năm trên đảo Lucia |
Saint Lucia là một trong 23 nhà sản xuất cacao cao cấp hàng đầu thế giới. Với thị trường quốc tế cho sản phẩm này đang phát triển nhanh chóng, nông dân Saint Lucia có tiềm năng rất lớn trong trồng và chế biến ca cao.
Saint Lucia là một trong chín nhà xuất khẩu ca cao nguyên chất 100%. Vương Quốc Anh là thị trường chính nhập khẩu ca cao nơi đây. Đây cũng là một trong 23 nhà sản xuất ca cao cao cấp hàng đầu thế giới, theo Tổ chức Ca cao Quốc tế, tổ chức đánh giá sô cô la của hòn đảo này rất đặc biệt.
Thị trường ca cao quốc tế đang phát triển nhanh chóng do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm sô cô la cao cấp, chẳng hạn như sô cô la dạng hạt, sô cô la hữu cơ và sô cô la có nguồn gốc duy nhất. Sự bùng nổ thị trường này có nghĩa là ca cao có thể có giá cao trên thị trường quốc tế, hàm ý tiềm năng to lớn cho nông dân Saint Lucia
Khóa đào tạo của FAO đang giúp nông dân trồng ca cao trên đảo tự khẳng định mình để giúp hồi sinh của ca cao trên hòn đảo nhiệt đới Saint Lucia. Tất cả 43 người tham gia đào tạo đều đánh giá cao về nội dung và chất lượng của lớp tập huấn và khoảng 90% số học viên cho rằng họ đã thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất ca cao từ canh tác, thu hoạch, lên men và bảo quản ca cao.
Quỳnh Yến
Theo FAO