Một dự án của FAO đang giúp mọi người bắt đầu kinh doanh nông nghiệp để mang lại cho họ cơ hội tài chính và kinh doanh tại chính ngôi làng của họ.
Trong đại dịch COVID-19, Bipana Bishwakarma và Bishal - chồng của cô đã mất việc làm tại một nhà máy nhôm ở Malaysia. Lần đầu tiên trở về làng - ở quận Rautahat, nằm cách thủ đô Kathmandu 180 km về phía Đông Nam, Bipana bắt đầu suy nghĩ về những cách mà cô có thể hỗ trợ tài chính cho gia đình mình.
Cô đã suy nghĩ về việc chăn nuôi lợn và thật bất ngờ chính nghề chăn nuôi này đã mang lại an ninh kinh tế của gia đình cũng như sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của Bipana.
Khi Bipana nghe về khóa đào tạo chăn nuôi lợn do FAO tổ chức tại một thị trấn gần đó, có điều gì đó đã thu hút trí tưởng tượng của cô, mặc dù trước đây cô chưa từng chăn nuôi lợn. Theo truyền thống, một số cộng đồng ở Nepal kiêng ăn thịt lợn. Tuy nhiên nhu cầu về thịt lợn trong nước đang tăng lên và do đó ngành này có tiềm năng tốt.
Khóa đào tạo này là một phần trong hoạt động hỗ trợ của FAO dành cho phụ nữ và thanh niên nông thôn ở các cộng đồng nơi có nhiều nam giới di cư để tìm việc làm. Việc thiếu cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn khiến nhiều người phải di cư. Hiện có gần 3,7 triệu người Nepal làm việc ở nước ngoài.
Mục đích của dự án của FAO là giúp phụ nữ và thanh niên ở những vùng nông thôn này bắt đầu hoạt động kinh doanh nông nghiệp bằng cách cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng kinh doanh nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường và tài chính.
Bipana chớp lấy cơ hội này để tạo ra kế sinh nhai mới. Bipana nói: “Tôi muốn làm điều gì đó để hỗ trợ thu nhập của gia đình và độc lập về mặt kinh tế”.
Bipana là một trong 327 phụ nữ và thanh niên ở Rautahat tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp và kỹ năng kinh doanh. Tham gia khóa tập huấn, cô hiểu về các giống lợn, cách xây dựng chuồng trại, thức ăn cho lợn và cách chữa trị các bệnh có thể xảy ra. Cô cũng học cách điều hành một doanh nghiệp và có được các kỹ năng kết nối mạng và tiếp thị xã hội.
Sau khóa tập huấn, dự án của FAO đã cung cấp cho Bipana ba con lợn giống và các hỗ trợ khác như thức ăn, thuốc kháng sinh và vắc xin. Cô cũng được khuyến khích sử dụng nguồn lực của chính mình để bổ sung thêm 10 con lợn giống; thành lập và phát triển doanh nghiệp.
Purndev Chaudhary, người cùng quê cũng quyết định đăng ký khóa học nuôi lợn của FAO. Anh đã trải qua hai khoảng thời gian làm việc trong ngành may mặc ở Malaysia và xen kẽ đó là một dự án kinh doanh nông nghiệp không thành công. Cuối cùng anh quyết định trở về Nepal vì lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và thách thức khi giao tiếp bằng tiếng nước ngoài.
Giống như Bipana, Purndev được cung cấp một số lợn giống và các vật tư đầu vào khác. Khóa đào tạo đã dạy cho anh kiến thức và kỹ năng về chăn nuôi lợn bền vững cũng như cách biến nó thành một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và phát triển. Kể từ đó, anh đã đầu tư một phần lợi nhuận của mình để xây thêm chuồng lợn và thậm chí bắt đầu nuôi vịt để đa dạng hóa sinh kế của mình.
|
|
Purndev Chaudhary ban đầu làm việc trong ngành may mặc của Malaysia nhưng sau khi trở về nước, anh đăng ký khóa học nuôi lợn của FAO để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình |
Purndev hiện cũng đang đào tạo thanh niên trong làng cách chăn nuôi lợn và anh có kế hoạch xây dựng hệ thống nhiên liệu khí sinh học từ nguồn phân lợn. “Tôi thực sự cảm ơn FAO vì đã cho tôi cơ hội này. Tôi đã có mọi thứ tôi cần. Tôi có thể xây dựng một gia đình, nuôi ba đứa con mình và tôi có một công việc kinh doanh mà tôi thích trên chính mảnh đất quê hương của mình.”. Purndev nói.
|
|
Các dự án của FAO nhằm tạo cơ hội và xây dựng sinh kế ở nông thôn, khiến việc di cư trở thành một lựa chọn chứ không phải là điều cần thiết |
Về phần mình, Bipana đang tham gia khóa học kỹ thuật viên thú y. Đôi mắt cô lấp lánh khi nói rằng cô muốn cung cấp dịch vụ thú y không chỉ cho trang trại của mình mà còn giúp cho cả làng, đồng thời cô muốn “góp phần định hình xã hội bằng cách chia sẻ kiến thức của mình với người khác”.
Cùng với sự quyết tâm và làm việc chăm chỉ của những người như Bipana và Purndev, FAO đang giúp cộng đồng địa phương ở Rautahat và các khu vực khác của Nepal tạo ra nhiều cơ hội hơn và xây dựng sinh kế ngay tại quê nhà, khiến việc di cư trở thành một lựa chọn chứ không phải là điều cần thiết.
Mai Anh - Theo FAO