1.  Làm đất

Nên bón vôi để xử lý đất trước khi xới, với liều lượng 30 – 50 kg/1.000 m2. Nếu đất đã từng trồng ngò gai chuyên canh, nay muốn cải tạo trồng lại vụ mới phải cho đất nghỉ và ngâm đất ít nhất 1 tháng để loại bỏ một số mầm bệnh lưu tồn trong đất từ vụ trước.

Trước khi gieo hạt nên cày xới làm cho đất tơi nhỏ ra, không nên làm đất quá nhuyễn vì đất dễ bị lèn khi mưa nhiều và hạt giống dễ bị vùi sâu trong đất. Tuyệt đối không sử dụng quá nhiều phân hữu cơ để bón lót trước khi gieo vì nếu gặp mưa nhiều phân hữu cơ sẽ giữ nước lại trong đất, khi đó ta gieo hạt giống vào, hạt sẽ dễ bị thối.

Lên liếp chiều rộng từ 1,0 – 1,2 m, chiều cao mặt liếp từ 15 – 20 cm. Các liếp cách nhau 30 – 40 cm. Có hệ thống thoát nước tốt mỗi khi mưa to và kéo dài.

2. Chọn hạt giống và xử lý hạt giống

Mua giống có nguồn gốc rõ ràng, ở những đại lý uy tín. Nếu mua hạt giống từ người trồng ngò gai tại địa phương phải biết được tình hình ruộng ngò giống có nhiễm sâu bệnh hại hay không, đặc biệt là bệnh thối gốc do vi khuẩn. Nên chọn ruộng ít sâu bệnh và mới thu hoạch hạt giống để mua hạt giống.

Để đảm bảo mật độ trồng nên thử độ nảy mầm trước khi gieo sạ.

Trước khi gieo hạt, nên phơi hạt giống ngoài ngoài nắng khoảng 3 giờ, sau đó ngâm hạt giống trong nước ấm 54oC (3 sôi + 2 lạnh) khoảng 30 phút để giúp hạt giống mau nảy mầm và loại bỏ một số hạt lép lửng.

3.  Kỹ thuật gieo sạ

Trong quá trình gieo hạt, không nên để hạt vùi lấp sâu trong đất (không quá 1,5 cm), đảm bảo nền đất gieo đủ ẩm (70 – 80%), không gieo trên nền đất quá ướt. Tránh gieo hạt vào những ngày có mưa, bão.

Muốn gieo đều nên chia hạt giống thành 2 lần gieo, mỗi lần gieo trộn hạt giống với đất rồi tiến hành vãi đều trên mặt luống.

Ngò gai phát triển tốt sau 22 ngày gieo sạ
   

4.  Quản lý nước

Cây ngò gai ưa ẩm ướt, tuy nhiên vào mùa mưa không được để đất quá ẩm cây trồng rất dễ bị nấm bệnh (bệnh thối rễ, bệnh chết nhanh) nên đào rãnh thoát nước tốt tạo điều kiện cho cây thoát nước nhanh nhất sau những trận mưa.

5.  Kỹ thuật bón phân

Nên bón phân bằng cách hòa tan phân trong nước rồi tưới bằng bình hoa sen trên mặt liếp rau, sau khi tưới phân phải tưới lại một lần bằng nước lã để rửa sạch phân bám dính trên lá rau. Do đọt non của cây ngò gai nằm sát với mặt đất, nên không được để cho đất cát, bùn rơi bao phủ trên đọt non dễ làm cho đọt bị thối chết.

Nếu thấy lá bị vàng nhạt, lá mỏng, mép lá cuốn lên thì cần bổ sung thêm u-rê cho cây hoặc khi gặp hầu hết số lá trên cây đều bị mất diệp lục (cây bị bạch tạng) thì cần cung cấp ngay cho cây một lượng phân bón siêu vi lượng (1kg/1.000 m2) bằng cách hòa nước tưới cho cây hoặc phun lên thân lá và gốc giúp cây hồi phục lại bình thường.

6.  Quản lý dịch hại

Đối với nhóm rau ăn lá nên áp dụng triệt để các biện pháp IPM trong phòng trừ dịch hại. IPM là phương pháp hiệu quả nhất, không những bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, tiêu dùng và môi trường mà còn đem hiệu quả rất lớn về kinh tế.  Khi mật độ sâu, bệnh hại nhiều thì bà con nên phun xịt các loại thuốc ưu tiên có nguồn gốc sinh học và theo nguyên tắc 4 đúng.

Nếu trồng trong mùa nắng thì chú ý đến các côn trùng gây hại quan trọng, nhất là nhóm chích hút (nhện đỏ) gây xoăn lá. Nếu trồng trong mùa mưa thì nên quan tâm đến các bệnh thường xuất hiện trên cây ngò gai là: bệnh thối cổ rễ, bệnh cháy lá, bệnh đốm lá và bệnh thối bẹ.

7.  Thu hoạch

Ở mỗi lứa thu hoạch, bà con thường cắt toàn bộ lá và thân cây, chỉ chừa lại phần gốc. Đây là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh thối gốc và vi khuẩn héo xanh gây hại, có thể gây chết toàn bộ ruộng ngò gai chỉ trong vài ngày. Vì vậy, bà con cần lựa chọn các ngày nắng ráo để thu hoạch và ngay sau đó phải phun một số loại thuốc trừ nấm, kháng khuẩn cho cây.

Tránh thu hoạch ngò gai vào những ngày mưa

 

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long