    |
 |
Ốc sên gây hại trên các bộ phận của cây thanh long |
* Biện pháp canh tác:
- Cắt, tỉa:
+ Đối với các vườn cây thanh long ở giai đoạn kiến thiết cơ bản cần thường xuyên vệ sinh, cắt tỉa cành, đặc biệt là tỉa những cành nằm dọc theo trụ. Sau khi cắt tỉa, cần thu gom và xử lý các bộ phận được cắt bỏ, không để rải rác trên vườn hoặc ở gốc/trụ cây.
+ Đối với những vườn thanh long ở giai đoạn kinh doanh, khi tỉa cành, tỉa hoa cần thu gom xử lý, đặc biệt những cành già cỗi, bị bệnh. Có thể sử dụng cành và hoa sau khi thu gom làm bả để tiêu diệt ốc sên đầu mùa mưa.
- Xử lý cỏ: tiến hành cắt cỏ trên vườn và xung quanh trụ thanh long (từ gốc ra đến mép tán) trong mùa mưa (từ tháng 4, 5 đến tháng 10).
* Biện pháp vật lý, cơ giới:
- Thu bắt và tiêu diệt ốc sên trong quá trình chăm sóc cây và thăm đồng.
Chú ý thời điểm sau khi tưới nước hoặc sau khi mưa vào giai đoạn cây ra hoa và mang quả.
- Thu gom tàn dư thực vật trên vườn.
- Sử dụng bao bì (bao bì phân bón,…) đặt dưới tán thanh long (kết hợp với hoa và cành thanh long) dẫn dụ ốc sên tập trung để tiêu diệt, khoảng cách từ 3m × 3m hoặc 10m × 10m.
- Đầu mùa mưa (cuối tháng 4 đầu tháng 5 hàng năm), tiến hành sử dụng bả, khoảng cách đặt bả từ 3m × 3m hoặc 10m × 10m dọc theo hàng thanh long để dẫn dụ tiêu diệt ốc sên.
- Cách làm bả như sau:
+ Bước 1: Hoa thanh long được thu gom và phơi khô (trong mùa khô khi mật độ ốc thấp hoặc không hoạt động, tháng 1, 2, 3 hàng năm) hoặc thu gom hoa tươi sử dụng trực tiếp (bắt đầu mùa mưa, từ tháng 4, 5 hàng năm);
+ Bước 2: Ngâm hoa khô (đã thu gom và phơi khô) trong nước khoảng 30 phút để cánh hoa mềm hoặc sử dụng hoa tươi ngắt trực tiếp tại vườn kết hợp cành và quả thanh long sau khi cắt tỉa (không sử dụng cành, quả bị nhiễm bệnh để tránh lây lan) đặt thành từng mô có có đường kính 50 cm, độ dày từ 5-10cm, dọc theo các hàng thanh long;
+ Bước 3: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trừ ốc dạng bả mồi dẫn dụ (thuốc bảo vệ thực vật dạng hạt) rải đều lên các mô thức ăn (hoa và cành thanh long). Nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Metaldehyde, Niclosmide hoặc kết hợp cả 2 hoạt chất với liều lượng khoảng từ 15 - 20 gram/mô.
* Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc chứa hoạt chất Saponin, rải thuốc bảo vệ thực vật trên vườn, rải đều xung quanh tán/trụ thanh long, lưu ý những nơi ẩm ướt (độ ẩm cao) nhiều cỏ dại. Nên xử lý vào đầu mùa mưa khi mật độ ốc sên trên đồng còn thấp.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học: Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học có chứa hoạt chất Metaldehyde, Niclosmide hoặc kết hợp cả 2 hoạt chất để phòng trừ ốc sên.
Khuyến cáo nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật dạng hạt. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học có chứa hoạt chất Metaldehyde, Niclosamide và thuốc bảo vệ thực vật sinh học có chứa hoạt chất Saponin chỉ được khuyến cáo sử dụng sau khi được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phòng chống ốc sên gây hại trên cây thanh long.
- Thời điểm áp dụng thuốc bảo vệ thực vật: Xử lý thuốc bảo vệ thực vật vào sáng sớm (trước 7 giờ), tốt nhất là chiều tối (sau 18 giờ) sau mưa rào hoặc sau khi tưới nước cho cây.
Lưu ý: trong quá trình đi kiểm tra đồng vào buổi tối (khoảng từ 19 giờ đến 21 giờ) hoặc vào sáng sớm (trước 7 giờ), kiểm tra mật độ ốc sên trên vườn khoảng từ 5 con/m2 trở lên thì tiến hành sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
HM (gt)