1. Đất trồng

 

- Đất trồng sắn cần được thu dọn tàn dư thực vật như cỏ và rễ, thân, lá của các loại cây trồng vụ trước (có thể tái sử dụng để che phủ/tủ gốc sắn, hạn chế xói mòn đất). Không nên trồng sắn ở những khu vực đất có độ dốc > 25 độ;

 

- Làm đất: 

 

+ Đối với khu vực đất bằng phẳng: Cày sâu, bừa kỹ từ 1-2 lần để đảm bảo đất phải tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại. Tiến hành lên luống với chiều cao từ 20-25 cm, chiều rộng mặt luống 0,8m. Khu vực trũng dễ ngập úng vét mương tưới tiêu xung quanh ruộng với chiều rộng từ 50-60 cm và sâu từ 45-40 cm.  Khuyến khích cày, bừa và lên luống bằng máy kéo có gắn dàn chảo, xới và công cụ lên luống;

 

+ Đối với khu vực đất đồi có độ dốc < 15 độ:  Cày sâu, bừa kỹ từ 1-2 lần để đảm bảo đất phải tơi xốp, thoáng khí và sạch gốc cỏ dại. Lên luống đối với chân đất xám, đất cát và loại đất kém thoát nước;

 

+ Đối với khu vực đất đồi có độ dốc từ 15-25 độ:  Không nên cày bừa, chỉ tiến hành cuốc hốc hoặc rạch hàng theo đường đồng mức để đặt hom giống trực tiếp vào hốc hoặc hàng;

 

+ Đối với những chân ruộng đã xuất hiện bệnh thối củ, khi làm đất cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất, bón lót 2 tấn vôi trước khi trồng 15 ngày, sử dụng phân hữu cơ đã xử lý bằng chế phẩm sinh học Trichoderma hoặc dùng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục để bón lót.

 

2. Thời vụ trồng

 

Chọn thời vụ trồng thích hợp, chỉ trồng sắn khi nhiệt độ không khí >20 độ C; ẩm độ đất >75%, khung thời vụ cụ thể cho từng vùng sinh thái như sau:

 

- Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Trồng từ 15/02 đến đầu tháng 4, khi thời tiết ấm, có mưa, tầng đất canh tác đủ ẩm (>75%). Riêng tỉnh Sơn La do mưa muộn nên thời vụ

có thể lùi đến cuối tháng 4 - đầu tháng 5;

 

- Vùng Bắc Trung Bộ: Trồng từ tháng 01 và kết thúc trước lập Xuân để cây sắn phát triển tốt trước khi gặp gió Lào. Đối với vùng núi khô hạn, không được tưới nước, nên trồng sắn vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 khi có mưa, đất đủ ẩm; 

 

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Trồng tập trung từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau; Đối với đất đồi giáp ranh vùng Tây Nguyên, thời vụ trồng khoảng tháng 4 - tháng 5 sau khi có mưa, đất đủ ẩm;

 

- Vùng Tây Nguyên: Trồng tập trung đầu mùa mưa từ tháng 4 - tháng 5 sau khi có mưa, đất đủ ẩm; cũng có thể trồng vào tháng 9 - tháng 10 (cuối mùa mưa);

 

- Vùng Đông Nam Bộ: Vụ Hè Thu trồng tháng 4 - tháng 5 sau khi có mưa, đất đủ ẩm; vụ Đông Xuân trồng tháng 9 - tháng 10 đối với vùng chủ động nước tưới.

 

3. Giống và chất lượng hom giống

 

3.1. Giống

 

Sử dụng giống sắn đã được công bố lưu hành. Tùy điều kiện canh tác có thể chọn những giống chịu thâm canh như: KM140, HN1, KM7, BK, 13Sa05, HL-S14… hay các giống chịu được điều kiện đất nghèo dinh dưỡng như KM94, KM98-7, sắn lá tre. Đối với vùng nhiễm bệnh khảm lá sắn, chọn các giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh khảm lá sắn như: HN1, HL-RS15.

 

3.2. Chất lượng hom giống

 

- Cây giống sử dụng để lấy hom phải từ 8-10 tháng tuổi, không bị nhiễm sâu, bệnh (đặc biệt là bệnh khảm lá sắn và chổi rồng), nhặt mắt, không bị dập nát hoặc trầy xước, thời gian bảo quản tốt nhất không quá 60 ngày tính từ khi thu hoạch. Các lô giống thương mại phải được sản xuất bởi các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện sản xuất và phải được kiểm định, kiểm nghiệm hoặc giám định đạt yêu cầu bởi các tổ chức chứng nhận;

 

- Thu hoạch và bảo quản cây giống

 

+ Sau khi chặt, cây giống được bó thành từng bó 20 cây và dựng gốc tiếp xúc với đất, bảo quản ở nơi thoáng mát theo từng đống nhỏ, khoảng 20-30 bó/đống;

 

+ Kiểm tra thường xuyên cây giống trong quá trình bảo quản, trường hợp cây bị nhiễm các sinh vật gây hại như rệp hoặc các loại nấm bệnh cần phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.

 

- Thu hom giống: hom được lấy ở đoạn giữa thân, cách gốc 30 cm và cách ngọn 1/3 chiều cao cây; dùng các loại công cụ sắc bén hoặc máy cắt hom sắn để cắt hom nhằm tránh hom sắn bị tổn thương cơ giới (như dập, trầy, xước,...), chiều dài hom giống đối với trồng nằm từ 10-15 cm; trồng đứng hoặc xiên từ 15-20 cm và có tối thiểu 6 đốt/hom giống.

 

Lưu ý:

+ Rệp thường xuất hiện trong quá trình bảo quản cây giống, do vậy phải kiểm tra thường xuyên, nếu xuất hiện rệp phải phun thuốc BVTV để phòng trừ. Sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa một trong những hoạt chất Acetamiprid, Imidacloprid, Profenofos, Buprofezin với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

+ Khuyến khích xử lý hom giống trước khi trồng bằng nước vôi hoặc các loại thuốc BVTV theo hướng dẫn của đơn vị chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật để hạn chế nấm bệnh.

 

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

 

4.1. Mật độ trồng

 

- Đất giàu dinh dưỡng: Khoảng cách trồng giữa hai hàng sắn là 1,0 m (tính cả rãnh trong trường hợp lên luống) và cây cách cây 1,0 m, tương ứng với mật độ 10.000 hom/ha;

 

-  Đất có hàm lượng dinh dưỡng trung bình: Khoảng cách trồng giữa hai hàng sắn là 1,0 m (tính cả rãnh trong trường hợp lên luống) và cây cách cây 0,8 m, tương ứng với mật độ 12.500 hom/ha;

 

- Đất nghèo dinh dưỡng: Khoảng cách trồng giữa hai hàng sắn là 1,0 m (tính cả rãnh trong trường hợp lên luống) và cây cách cây 0,7 m, tương ứng với mật độ 14.200 hom/ha hoặc hàng cách hàng 0,8 m và cây cách cây 0,8 m, tương ứng với mật độ 15.600 hom/ha.

 

4.2. Cách trồng

 

- Các bước trồng

Trộn đều các loại phân bón lót → Rạch hàng vào giữa luống (với phương pháp trồng theo luống) hoặc cuốc hốc (với phương pháp trồng theo hốc) với độ sâu khoảng 15 cm → Rải đều phân lót theo rãnh hoặc hốc → Phủ lớp đất mỏng từ 2 - 3 cm lên trên phân → Đặt hom theo rãnh hoặc hốc với khoảng cách (cây cách cây) như trên → Lấp đất sau khi đặt hom.  

 

- Phương pháp đặt hom 

 

+ Đối với đất thoát nước tốt, đặt hom nằm ngang và lấp đất phủ kín hom sắn dày từ 2-3 cm;

 

+ Đối với đất thoát nước kém, đặt hom đứng hoặc xiên từ 30-450 và lấp đất phủ kín 2/3 chiều dài hom sắn. Đặt gốc xuống dưới, ngọn hom nghiêng theo hướng sườn đồi (khi trồng sắn trên đất dốc) và cùng quay về một phía. 

 

4.3. Phân bón và phương thức bón

 

- Lượng phân bón cho 01 ha

 

+ Đối với đất giàu dinh dưỡng: 10 tấn phân chuồng hoai mục (hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 90 kg N + 60 kg P2O5 + 120 kg K2O, tương ứng với 195 kg phân Urê + 375 kg phân lân supe + 200 kg phân Kali clorua;

 

+ Đối với đất dinh dưỡng trung bình: 10 tấn phân chuồng hoai mục (hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 120 kg N + 60 kg P2O5 + 120 kg K2O, tương ứng với thành phẩm là 10 tấn phân chuồng hoai mục (hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 260 kg phân Urê + 375 kg phân lân supe + 200 kg phân Kali clorua;

 

+ Đối với đất xấu, nghèo dinh dưỡng: 10 tấn phân chuồng (hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 160 kg N + 80 kg P2O5 + 160 kg K2O, tương ứng với 350 kg phân đạm Urê + 500 kg phân Supe lân + 270 kg phân Kali clorua.

 

- Thời gian và lượng bón

 

+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ (phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh) và phân lân;

 

+ Bón thúc lần 1 với lượng ½ phân đạm và ½ phân kali vào thời điểm 30-40 ngày sau trồng;

 

+ Bón thúc lần 2 với lượng ½ phân đạm và ½ phân kali còn lại vào thời điểm 80 - 90 ngày sau trồng.

 

- Phương pháp và kỹ thuật bón phân

 

+ Bón phân khi đất có đủ độ ẩm. Không bón phân khi trời đang nắng hoặc đang mưa lớn;

 

+ Bón lót khi cày bừa theo rãnh hoặc hốc khi trồng;

 

+ Bón thúc bằng cách cuốc hốc cách gốc hoặc hom sắn khoảng 15-20 cm, rãi đều phân theo hốc và lấp đất sau khi bón.

 

4.4. Trồng dặm và tỉa cây

 

Sau trồng 15-20 ngày, kiểm tra đồng ruộng và trồng dặm vào những chỗ hom sắn không mọc. Sau khi cây sắn mọc, khỏe và không bị sâu xám cắn gốc cần tiến hành tỉa cây để duy trì 2-3 cây/hốc. Trường hợp tỷ lệ nẩy mầm dưới 70% thì cày trồng lại.

 

4.5. Phòng trừ cỏ dại

 

- Sau khi trồng 1-3 ngày, sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm được phép sử dụng. Ví dụ như các loại thuốc có hoạt chất Acetochlor, S-Metolachlor…;

 

- Nếu cỏ vẫn mọc tốt, tiến hành phòng trừ bổ sung sau 30-40 ngày bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc chứa hoạt chất Glufosinate ammonium; phun thuốc định hướng vào phần gốc, tránh để thuốc tiếp xúc với phần lá xanh.

 

4.6. Tưới tiêu nước

 

Đối với những vùng tưới tiêu chủ động, tưới nước bổ sung cho cây sắn để đạt năng suất cao. Tưới nước khi độ ẩm đất xuống dưới 60% theo các phương pháp sau:

- Tưới rãnh;

- Tưới tiết kiệm: Tưới nhỏ giọt quanh gốc hoặc tưới phun mưa để tối ưu năng suất và hạn chế nhện đỏ gây hại vào mùa khô.

 

Lưu ý:

Cây sắn không chịu được ngập úng trong nước từ 6-10 giờ, do vậy khi gặp mưa lớn kéo dài cần có biện pháp tiêu nước phù hợp như khơi thông dòng chảy, khơi rãnh thoát nước xung quanh ruộng.

 

5. Trồng xen và luân canh

 

5.1. Xen canh

 

Khuyến khích trồng xen một số cây họ đậu ngắn ngày như lạc (đậu phộng), đậu xanh, đậu tương, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng… để chống xói mòn, hạn chế cỏ dại và giữ ẩm đất, tận dụng sinh khối để làm nguồn thức ăn thô xanh cho chăn nuôi. Cây trồng xen được gieo cùng thời điểm đặt hom sắn; cách hàng sắn từ 25-30 cm.

 

Đối với đất có độ dốc >15 độ: khuyến khích trồng thêm các băng cây xanh như dứa, cỏ Vetiver, cỏ Voi, cỏ Paspalum, cỏ Guatemala, cốt khí, đậu triều... theo đường đồng mức. Khoảng cách giữa 2 băng cây xanh từ 8-10 m.

 

5.2. Luân canh

 - Sau 2-3 vụ canh tác sắn, nên trồng luân canh bằng các loại cây trồng cạn ngắn ngày như lạc, đậu xanh, đậu tương, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, vừng, ngô, cao lương… Không luân canh với các loại cây trồng là ký chủ của tác nhân truyền bệnh khảm lá sắn và bệnh chổi rồng như cây thuốc lá, bông, họ cà, họ bầu bí…;

 

- Trong điều kiện thời tiết phù hợp, có thể sử dụng giống sắn ngắn ngày để có thể thu hoạch sớm và trồng bổ sung 1 vụ bằng các cây trồng theo khuyến cáo ở trên.

 

GH