Theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố, những năm gần đây sâu róm có xu hướng xuất hiện với tần xuất nhiều hơn, khả năng lây lan và ảnh hưởng lớn hơn đối với sinh trưởng và chất lượng quả táo. Đây là đối tượng mới xuất hiện trên cây táo xanh và gây hại cục bộ nên chưa có quy trình quản lý đồng bộ, người nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng quả táo và sức khỏe của con người.

leftcenterrightdel
Triệu chứng quả táo bị sâu róm gây hại

 

Sâu róm là loài sâu ăn tạp gây hại trên nhiều loài cây trồng, trong đó có cây táo xanh. Sâu róm thường gây hại trên bộ phận quả, lá, chồi non; lá già chúng thường kết thành tổ kén nuôi nhộng, chờ ngày hóa bướm để tiếp tục vòng đời sinh trưởng. Sâu róm thường nằm dưới mặt lá và ít di chuyển, vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối chúng mới bò ra phá hoại hết cành này sang cành khác, còn trời nắng chúng bò xuống thân hoặc ẩn nấp dưới mặt lá nên khó phát hiện. Loại sâu này xuất hiện nhiều nhất là thời điểm giao mùa. Tuy không gây chết cây như những đối tượng dịch hại khác nhưng việc sâu tấn công hết phần chồi non, lá non và quả non đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng quả táo. Sâu róm ăn rất khỏe và sinh sản nhanh, trên một ổ sâu mới nở có cả hàng trăm con, thậm chí đến cả ngàn con sâu; chỉ trong một đêm chúng có thể ăn trụi hết lá, chồi và quả non.

 
leftcenterrightdel
Trứng sâu róm 

 
leftcenterrightdel
Sâu róm mới nở 

 
leftcenterrightdel
Trưởng thành sâu róm 

 
leftcenterrightdel
 Nhộng sâu róm

 

Để quản lý hiệu quả sâu róm hại táo xanh có hiệu quả, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp  Nha Hố khuyến cáo người dân nên áp dụng tổng hợp các biện pháp như:

 

- Biện pháp canh tác: Tạo tán, tỉa cành cho vườn thông thoáng, thường xuyên tỉa bỏ những cành tược, cành bị sâu bệnh, cành già ở phía bên trong thân cây mà không có khả năng cho quả.

 

- Biện pháp thủ công: Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, phát hiện sâu, bệnh kịp thời và dùng biện pháp bắt thủ công để diệt nhộng, trứng, sâu mới nở của sâu róm. Người dân nên thu gom các cành lá có trứng và sâu non mới nở đưa ra ngoài để tiêu hủy và đây là biện pháp rất hiệu quả bởi mỗi ổ sâu róm tuổi nhỏ lên đến cả hàng trăm con, thậm chí cả ngàn con.

leftcenterrightdel
Thu gom các cành lá có trứng và sâu non mới nở 

 

- Sử dụng bẫy trưởng thành bằng bẫy đèn: Sử dụng bẫy sâu róm trưởng thành bằng bẫy đèn sinh học, phương pháp này có thể phối hợp 2 phương pháp dẫn dụ (dẫn dụ từ xa bằng ánh sáng màu vàng nhạt cường độ sáng cao và dẫn dụ gần bằng ánh sáng tím, tia UV có bước sóng 300 -  380nm). Đối với bẫy đèn kết hợp với bẫy dính hoặc thau nước đổ dầu khoáng lớp phía trên để thu gom con trưởng thành khi tập trung đến bẫy đèn.

leftcenterrightdel
 Sử dụng bẫy đèn để bẫy trưởng thành sâu róm  

 

- Bảo vệ thiên địch: Tăng cường bảo vệ thiên dịch bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hóa học, không phát dọn sạch thực bì trong vườn táo, tăng cường trồng cây phân xanh, cây họ đậu,... để che phủ đất và tạo điều kiện cho các côn trùng có ích, thiên địch có môi trường sống và phát triển. Không phá các tổ ong, tổ kiến nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác giá trị của các loài thiên địch ở trong vườn táo.

 

- Biện pháp hóa học: Ngoài các biện pháp phòng trừ sâu róm trên, trong trường hợp cần thiết dùng thuốc hóa học thì việc phát hiện sớm rất quan trọng vì khi sâu róm lớn tuổi, bắt đầu phân tán để gây hại và ảnh hưởng đến cây táo. Do vậy, việc phát hiện sớm để phòng trừ sẽ hiệu quả cao và người dân sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nên kết hợp với dầu khoáng hoặc chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc. Thời gian phun thuốc ở giai đoạn sâu non từ tuổi 1 đến tuổi 3 cho hiệu quả cao nhất vì ở giai đoạn này sâu non sống tập trung trên tán lá, di chuyển chậm và sức chịu đựng kém.

 

Phan Công Kiên

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố