Bệnh xì mủ do nấm (Phytophthora cinnamomi Rands, 1992), thuộc họ Peronosporaceae, bộ Peronosporales là loài nấm nguy hiểm gây bệnh hại chính trên thân, cành cây mắc ca, tỷ lệ bệnh trên 20% có thể dẫn đến quy mô gây hại mức độ cao cho vườn trồng.

leftcenterrightdel
 Triệu chứng bệnh xì mủ do nấm (P. cinnamomi)  

 

Bọ xít muỗi (Helopeltis theivora Waterhouse,1886), thuộc họ Miridae, bộ Hemiptera là loài gây hại chính trên cây mắc ca, tỷ lệ hại trên 50% và mức độ hại tương đối nguy hiểm; gây hại khi cây ra quả non, ngọn, lá và khi bị hại nặng sẽ bị rụng lá, quả.

leftcenterrightdel
Bọ xít muỗi (H. theivora) hại lá, ngọn, cành non và quả non 

 

1.      Biện pháp giống

 

Có thể sử dụng các giống mắc ca chất lượng tốt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để trồng trong sản xuất. Cụ thể:

 

Vùng Tây Nguyên là các giống: OC, 246, 816, 849, A38, A16, QN1 và 856 (Quyết định số 2040/QĐ-BNN-TCLN, ngày 01 tháng 9 năm 2011, Quyết định số 761/QĐ-BNN-TCLN ngày 06/3/2019 và Quyết định số 273/QĐ-TCLN-PTR ngày 26/10/2022);

 

Vùng Tây Bắc là các giống: OC, 246, 816, A38 và A16 (Quyết định số 65/QĐ BNN-TCLN, ngày 11 tháng 01 năm 2013, Quyết định số 761/QĐ-BNN-TCLN ngày 06/3/2019).

 

2. Biện pháp vật lý, cơ giới

 

- Đối với bệnh xì mủ: thường xuyên theo dõi, tỉa những cành bị bệnh hại nặng, cạo các vết bệnh trên cây và quét vôi thân, cành (từ 1m trở xuống gốc và quét vào thời điểm trước mùa mưa).

 

- Đối với bọ xít muỗi: sử dụng vợt côn trùng để thu bắt ấu trùng, bọ xít muỗi trưởng thành và thu lá non, ngọn non, quả non bị hại nặng đem tiêu hủy. Tại Lai Châu, thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 và tại Đắk Lắk thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.

 

3. Biện pháp lâm sinh

 

Tiến hành chăm sóc nuôi dưỡng cây trồng theo quy định số 3697/QĐ-BNN TCLN ngày 24/09/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây mắc ca,…

 

4. Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

 

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV sinh học

 

- Đối với bệnh xì mủ:

 

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ tiến hành phun khi tỷ lệ hại từ 5% trở lên, sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa nấm đối kháng Trichoderma virens 80% (8 x 107 bào tử/g) + Trichoderma hamatum 20% (2 x 107bào tử/g)/ Trichoderma viride phun hai lần. Nếu sau lần phun thứ nhất điều tra vẫn thấy bệnh gây hại thì phun nhắc lại lần hai (lần hai phun sau lần một từ 10 đến 15 ngày) và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

- Đối với bọ xít muỗi:

 

+ Bảo vệ các loài thiên địch như bọ xít bắt mồi, kiến đen, kiến vàng, bọ ngựa, nhện, các loài chim ăn côn trùng,... bằng cách để lại những cây hoa ở dưới tán, ven rừng để dẫn dụ và tạo điều kiện để thiên địch đến và hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

 

+ Sử dụng thuốc BVTV sinh học chỉ tiến hành phun khi tỷ lệ hại từ 5% trở lên; sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin/Azadirachtin, phun nhắc lại sau từ 7 đến 10 ngày nếu tỷ lệ hại không giảm; liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học

 

- Đối với bệnh xì mủ:

 

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi tỷ lệ hại từ 10% trở lên, sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Phosphorous acid/ Mancozeb 660g/kg + Metalaxyl-M 60g/kg. Nếu sau lần phun thứ nhất điều tra vẫn thấy bệnh gây hại thì phun nhắc lại lần hai (lần hai sau lần một từ 10 đến 15 ngày) và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

- Đối với bọ xít muỗi:

 

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi tỷ lệ hại từ 10% trở lên, sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Deltamethrin/ Etofenprox, phun nhắc lại sau từ 7 đến 10 ngày nếu tỷ lệ hại không giảm; liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

* Kỹ thuật phun thuốc

 

- Đối với bệnh xì mủ phun vào buổi sáng, trời khô ráo; phun đều cho toàn bộ số lượng cây, phun ướt toàn bộ thân, cành cây; với địa hình vùng đồi núi tiến hành phun từ chân đồi lên đỉnh đồi và phun xuôi theo chiều gió.

 

- Đối với bọ xít muỗi phun vào buổi sáng khi trời khô ráo; phun đều cho toàn bộ số lượng cây, phun ướt toàn bộ tán lá cây; với địa hình vùng đồi núi tiến hành phun từ chân đồi lên đỉnh đồi, phun xuôi theo chiều gió; với địa hình bằng phẳng phun từ xung quanh vào trong theo hình xoáy trôn ốc.

 

Chú ý: Các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có chứa nấm đối kháng Trichoderma virens, Trichoderma hamatum, Trichoderma viride, hoạt chất Abamectin, Azadirachtin; các thuốc bảo vệ thực vật hóa học có chứa các hoạt chất Deltamethrin, Etofenprox, Phosphorous acid, Mancozeb, Metalaxyl-M, chỉ được khuyến cáo sử dụng sau khi được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phòng chống bệnh xì mủ và bọ xít muỗi gây hại trên cây mắc ca.

 

GH