Để thực hiện chương trình OCOP, Hà Nam đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, nguyên tắc, ý nghĩa và nội dung của Chương trình OCOP xuống các huyện, thành phố. Đây là cơ sở để các chủ thể sản xuất (Hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội và hộ gia đình) đang trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm có truyền thống, tiềm năng, lợi thế ở mỗi huyện, thành phố đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Kết có 19 chủ thể sản xuất tự nguyện nộp 31 phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình năm 2019.

Qua việc đánh giá, xét duyệt đã có 25 phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia. Trong đó nhóm thực phẩm có 17 phiếu; nhóm đồ uống có 5 phiếu; nhóm thủ công mỹ thuật – trang trí có 3 phiếu.

Đồng thời các cơ quan chuyên môn đã tập trung hướng dẫn chủ thể sản xuất xây dựng, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện. UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện. Mục đích chính của hội nghị đánh giá, phân hạng cấp huyện là lựa chọn sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Qua đó đã lựa chọn được 21 sản phẩm đủ điều kiện gửi tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.

Các bộ hồ sơ của 21 sản phẩm này đáp ứng đúng quy định của Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm. Danh mục tài liệu của các bộ hồ sơ đầy đủ gồm 5 tài liệu bắt buộc (phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, bản giới thiệu về tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản phẩm mẫu) và tài liệu minh chứng bổ sung. Tùy từng trường hợp cụ thể, các chủ thể sản xuất đã tổng hợp được một số hoặc đầy đủ các tài liệu minh chứng như: Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; Hợp đồng thu mua nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng; Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đến các thị trường khác nhau; Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; Phiếu kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu: kim loại nặng, vi sinh, dinh dưỡng…; Kế hoạch, quy trình kiểm soát chất lượng; Câu chuyện giới thiệu về sản phẩm, marketing cho sản phẩm; Bao bì, ghi nhãn sản phẩm, tem truy xuất, mã số mã vạch, website, thông tin sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; Minh chứng về bảo vệ môi trường: cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường; Quyết định bổ nhiệm, bằng cấp nhân sự kế toán, cán bộ kinh doanh; Hình ảnh về máy móc, trang thiết bị, giải thưởng, tham gia hội chợ triển lãm, báo cáo có liên quan,…để Hội đồng đánh giá cấp tỉnh.

Từ 21 sản phẩm rà soát cụ thể đã xác định ra 18 sản phẩm có tiềm năng để được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (đạt từ 50 điểm, tương đương từ 3 sao trở lên).

Thông qua Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm của tỉnh Hà Nam năm 2019 đã xác định được 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao (có điểm trung bình của Hội đồng đạt từ 70,0 đến 85,9 điểm), 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (có điểm trung bình của Hội đồng đạt từ 53,1 đến 65,5 điểm).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Hà Nam tại triển lãm Quốc gia thành tựu 10 năm xây dựng NTM

 

Theo đánh giá chung về một số ưu điểm và nhược điểm của các sản phẩm được chọn, đó là:

- Đối với sản phẩm có tiềm năng đạt 4 sao gồm khay tròn mây đan của Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam; các sản phẩm sữa (sữa tươi thanh trùng, sữa chua và sữa chua nếp cẩm) của Công ty cổ phần sữa Hà Nam và hộ kinh doanh trang trại Mục Đồng; hai sản phẩm rượu (nếp cái hoa vàng và rượu Vọc) của HTX rượu Vọc. Đây là sản phẩm có chất lượng tốt, được chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao. Sản phẩm được đóng gói phù hợp, mẫu mã đa dạng, bao bì đẹp mắt, thông tin ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc đầy đủ, đã công bố tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định. Các sản phẩm này đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc hồ sơ đăng ký bảo hộ được cục Sở hữu trí tuệ công nhận hợp lệ. Chủ thể sản xuất cũng đã chủ động hoặc tham gia thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng mạng lưới phân phối rộng tại nhiều thị trường trong nước hoặc đến thị trường quốc tế (công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam).

- Đối với sản phẩm có tiềm năng đạt 3 sao gồm 6 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 3 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống và 1 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ. Đó là các sản phẩm: Bánh tráng chùm ngây Morice Phở chùm ngây MoriceBún chùm ngây Morice, Miến chùm ngây Morice, Bánh đa nem làng Chều, Rượu Đức Toàn, Bình rượu rồng phượng Phú Thỏa,Cá kho Nhân Hậu, Rượu nếp Cường Hạnh, Rượu nếp Hợp Lý.

Đây là các sản phẩm gắn với truyền thống sản xuất, lợi thế về nguồn nguyên liệu chế biến sẵn có ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, ngoại trừ các sản phẩm bún, miến, phở và bánh tráng chùm ngây của công ty Morice Noodles Việt Nam, các sản phẩm còn lại (bánh đa nem, rượu, bình rượu, cá kho) được sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Với nguồn vốn hạn chế nên các chủ thể sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư (máy móc, trang thiết bị, mặt bằng, nhà xưởng) để mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, do các chủ thể sản xuất thiếu kiến thức, kỹ năng về marketing, xúc tiến thương mại nên chưa có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm được triển khai thực hiện, chưa xây dựng được mạng lưới phân phối ổn định đến các thị trường hoặc phải tiêu thụ dưới nhãn hiệu của tổ chức.

- Đối với các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP gồm bánh đa phở Yến Nhi, na dai Ba Sao; mứt vỏ bưởi sấy Tâm Sáng. Đây là các sản phẩm mới đưa vào sản xuất, có sản lượng thấp, bao bì đóng gói đơn giản, thông tin ghi nhãn chưa đầy đủ theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có website cơ sở, chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp. Ngoài ra, chủ thể sản xuất chưa có kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng liên kết tiêu thụ nên chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thị trường tiêu thụ chính là trong tỉnh. Việc tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội nghị khách hàng, hội nghị kết nối cung -  cầu) do các cơ quan trong và ngoài tỉnh tổ chức cũng hạn chế.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam