Diễn đàn có sự tham dự của 205 đại biểu, trong đó 130 nông dân đến từ các tỉnh/thành phố: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Phước.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh… vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhận định những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Riêng về dịch bệnh tả lợn châu Phi, tính đến cuối tháng 10/2019, bệnh dịch đã xảy ra tại 8.296 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố; Tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy khoảng 337.000 tấn. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và địa phương, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, số lợn bị tiêu hủy giảm so với các tháng trước. Nếu như tháng 5/2019 có khoảng 1,27 triệu con lợn bị tiêu hủy thì đến tháng 11/2019 số lợn bị tiêu hủy là 157 nghìn con. Các địa phương đã chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn lợn và đảm bảo sản phẩm thịt lợn cho nhu cầu cuối năm.

Báo cáo của  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã giới thiệu tới các đại biểu và bà con nông dân một số mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Đó là mô hình của ông Phùng Văn Bảo ở tổ 5, khu phố Phú An, phường An Lộc, thị xã Bình Long với quy mô trại là 50 lợn nái và 1.000 lợn thịt. Trại lợn giống quốc gia Bình Minh - thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn của các hộ dân ở 2 huyện Bình Chánh và Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh. Bà con nông dân có thể tham khảo kinh nghiệm tại các mô hình này để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

An toàn sinh học là giải pháp tốt giúp kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi

Đề cập đến vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn lợn, ông Mai Thế Hào - Cục Chăn nuôi cho biết: Thời điểm tháng 3/2019, tổng đàn nái của 16 công ty chăn nuôi lợn giống lớn là 612.871con. Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát đến nay, tổng đàn nái của 16 cơ sở này chỉ giảm nhẹ 0,74%, nhưng số lượng đàn lợn giống bố mẹ lại tăng 3,42%. Kết quả trên cho thấy những cơ sở này không hề bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, có thể khẳng định, mặc dù đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh này nhưng các trang trại chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn sinh học sẽ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó những hộ dân và trại chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học đều đã bị dịch và phải ngừng chăn nuôi. Trước tình hình hiện nay, bà con chăn nuôi lợn muốn tái đàn chỉ có thể áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGHAP vào sản xuất.

Tại Diễn đàn, Ban cố vấn đã giải đáp 38 câu hỏi của các đại biểu và bà con nông dân tập trung vào những nội dung như: chăn nuôi lợn an toàn sinh học; các biện pháp quản lý kỹ thuật; các giải pháp chăm sóc, thức ăn và vắc-xin; kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn…

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Kết luận tại Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng:

Chăn nuôi an toàn sinh học đặc biệt quan trọng, vì vậy cần làm tốt công tác kiểm soát các cơ sở sản xuất để tái đàn; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường sức khỏe cho đàn lợn; Cần đảm bảo nguồn giống; Các địa phương chăn nuôi một số sản phẩm bản địa thay thế để giảm áp lực thịt lợn, đặc biệt vào giai đoạn Tết Nguyên đán; Vận chuyển gia súc phải đảm bảo nhằm tránh lây lan dịch bệnh; Tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi an toàn; Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi an toàn sinh học.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tiếp tục hỗ trợ hệ thống khuyến nông, chăn nuôi thú y trong công tác chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh.

Trung tâm khuyến nông, trung tâm dịch vụ các tỉnh tạo điều kiện để quản lý chăn nuôi theo chuỗi; tái đàn cần thận trọng, có kiểm soát. Năm 2020, cần tăng cường các chương trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận Diễn đàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới tiếp tục xây dựng các dự án chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tiếp tục chuyển giao các tài liệu phòng chống dịch tả lợn châu Phi, giới thiệu các mô hình hay để nhân rộng trong sản xuất; tiếp tục tổ chức các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp với bà con nông dân để hỗ trợ tối đa cho khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tới tham quan cơ sở chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Viễn ở ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là trại nuôi lợn được thành lập cách đây 4 năm, có diện tích 7 ha, hiện đang nuôi 2.000 con lợn thịt. Những tháng vừa qua, mặc dù “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đã “quét” qua địa bàn xã và chỉ cách trại chăn nuôi của anh Viễn 2 km nhưng trại của anh vẫn “bình an vô sự”.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc giữ vững đàn lợn, anh Viễn cho biết: Trang trại của anh thời gian này thực hiện nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các kỹ sư, công nhân ăn, ngủ tại trại. Các đồ dùng mang vào trại đều được khử trùng bằng tia UV. Chuồng, trại được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng vôi, hóa chất theo định kỳ. Thức ăn, nước uống cho lợn cũng được khử trùng tuyệt đối. Đàn lợn được chích ngừa vắc-xin theo đúng lịch trình và bổ sung thêm các chế phẩm sinh học trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng.

Anh Nguyễn Văn Viễn (áo xanh) chia sẻ kinh nghiệm vượt qua "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia