Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả kinh tế trồng rừng gỗ lớn, giúp người dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng từ rừng trồng gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, ngày 05/8/2020, tại TP. Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu”.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp); Viện Nghiên cứu Giống và CNSH Lâm nghiệp; Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình cùng các đơn vị liên quan trong tỉnh. Đặc biệt là sự tham dự của bà con nông dân đến từ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Diễn đàn này là cơ hội để cho những người trồng rừng trên cả nước chia sẻ những kinh nghiệm trồng rừng cây gỗ lớn, là nơi để các nhà khoa học, nhà quản lý thông qua những ý kiến của người trồng rừng để xây dựng chiến lược, kế hoạch trồng rừng trên diện rộng, xây dựng tư duy trồng rừng không còn manh mún, nhỏ lẻ để tạo ra một nguồn cung cấp sản phẩm nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn để xuất khẩu.

Ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Với chủ trương xã hội hóa nghề rừng được kiên định thực hiện qua nhiều thập kỉ, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Việt Nam đã huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia phát triển rừng và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2019, tổng diện tích rừng trên toàn quốc đạt trên 14,6 triệu hécta, gồm rừng đặc dụng đạt 2,16 hécta, rừng phòng hộ đạt 4,64 triệu hécta và rừng sản xuất đạt trên 7,8 triệu hécta (rừng tự nhiên đạt trên 4,26 triệu hécta, diện tích rừng trồng đạt gần 3,54 triệu hécta).

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, mục tiêu tới năm 2020 xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung với diện tích khoảng 1,2 triệu hécta để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, chuyển hóa 110.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh gỗ lớn (gỗ xẻ), trồng mới 100.000 ha và trồng lại 165.000 ha với mục đích kinh doanh gỗ lớn.

Xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

 

Thông tin tại Diễn đàn, ông Quách Đại Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, tính đến thời điểm 31/6/2020, cả nước đã trồng được 234.045 ha/265.000 ha rừng cung cấp gỗ lớn; chuyển hóa 89.828 ha/110.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Qua đánh giá một số mô hình rừng trồng cung cấp gỗ lớn ở các địa phương phản ánh kết quả khả quan. Tuy nhiên, phát triển trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương hiện còn một số khó khăn, đó là: Rừng trồng sản xuất tập trung chủ yếu ở khu vực hộ gia đình, cá nhân có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn để đầu tư; Chu kỳ trồng rừng dài và rủi ro cao; Việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất theo chuỗi chưa lan rộng; Hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường xá; Tỷ lệ sử dụng giống mới chưa cao, kỹ thuật trồng rừng bán thâm canh, ít chăm sóc vẫn còn phổ biến; Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại hết sức khó khăn.

Đại diện Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2020, công tác nghiên cứu cải thiện giống các loài cây rừng mọc nhanh ở Viện để phục vụ trồng rừng gỗ lớn và nguyên liệu giấy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đã chọn tạo và công nhận được 93 giống của các loài Keo lai, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lá liềm, Bạch đàn urô và Bạch đàn lai là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật.

Song song với công tác chọn tạo giống, Viện đã đào tạo tập huấn và chuyển giao quy trình nhân giống bằng công nghệ mô – hom cho 15 cơ sở sản xuất để nhanh chóng phát triển giống cho trồng rừng, như Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam Bộ, Công ty lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty Cổ phần giống Nguyên Hạnh, các công ty giống và trồng rừng ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hòa Bình,... và các Trung tâm vùng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Đến nay các cơ sở nhận chuyển giao đều đã có khả năng nhân giống ở các quy mô khác nhau. Một số đơn vị như đã có thể sản xuất hàng triệu cây giống/năm từ công nghệ mô – hom để cung cấp cho trồng rừng kinh tế.

Ông Bùi Văn Minh ở xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi chủ yếu trồng giống keo giâm hom. Sau chu kỳ 5 năm thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại trồng keo nuôi cấy mô, thấy rằng đây là giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao; ưu điểm cây sinh trưởng nhanh, đồng đều, ít bị sâu bệnh. So với giống keo giâm bằng hom thì keo nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5 – 2 lần. Thời gian trồng thành rừng gỗ lớn sau khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với giống keo cũ”.

Nhiều nông dân trao đổi khó khăn trong sản xuất và đặt câu hỏi tới Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Tại diễn đàn, nông dân đã chia sẻ những kinh nghiệm, hiệu quả kinh tế và khó khăn trong phát triển mô hình sản xuất rừng gỗ lớn tại địa phương. Trên cơ sở ý kiến của nông dân, các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp đã giải đáp những vướng mắc của người dân trong trồng cây gỗ lớn, đưa ra một số giải pháp phát triển rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu như: hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với chủ rừng để sản xuất gỗ lớn và quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng; nghiên cứu, cải thiện giống cây trồng, cải thiện công nghệ nhân giống để giảm giá thành; đẩy mạnh trồng gỗ lớn liên kết theo chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Trong chương trình diễn đàn, chiều ngày 04/8/2020, các đại biểu đã tham quan mô hình nuôi cấy mô giống cây keo lai tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình; mô hình chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Sơn Thủy và tham quan một số hộ tham gia trồng rừng theo hướng FSC xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.

Đại biểu tham quan mô hình nuôi cấy mô giống cây keo lai tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình

 

Ánh Nguyệt – Thu Hằng