Với một suy nghĩ phải làm giàu bằng được ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình, bằng sự kiên trì và quyết tâm chị đã thành công khi chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là mạnh dạn chuyển sang đầu tư vào làm kinh tế trang trại bằng mô hình chăn nuôi lợn ngoại khép kín, an toàn sinh học.

Năm 2015, với tất cả đồng vốn tích góp được cùng với vay mượn của người thân và gia đình chị đã thuê lại 1,5 ha đất nông nghiệp của người dân sản xuất kém hiệu quả, quy hoạch và cải tạo lại để thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển trang trại lâu dài. Có được diện tích đất đủ lớn để đầu tư theo ý tưởng của mình chị đã quyết định chọn mô hình nuôi lợn nái ngoại sinh sản để khởi đầu cho con đường làm ăn mới. Chị Hường cho biết: Nuôi lợn nái ngoại phải đầu tư chi phí ban đầu khá lớn bao gồm từ khâu thiết kế, làm chuồng trại đến việc lựa chọn mua con giống. Ban đầu gia đình chị phải đi xem thực tế, học tập cách làm chuồng, kỹ thuật nuôi lợn nái từ công ty; nhờ sự tư vấn kỹ thuật của công ty nên chị đã làm được một khu chuồng kín đảm bảo kỹ thuật để nuôi 50 lợn nái ngoại. Con giống chị cũng tìm hiểu và chọn mua từ công ty có uy tín, chất lượng nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi rất tốt. Với số lượng 50 con lợn nái sinh sản, trung bình mỗi năm sản xuất ra khoảng 800 – 900 con lợn con giống. Đàn lợn con sau khi cai sữa chị chuyển sang chuồng nuôi thịt vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh; một phần cung cấp con giống phục vụ cho bà con chăn nuôi trong vùng. Chuồng nuôi lợn thịt luôn duy trì quy mô 250 lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Đàn lợn thịt thường được nuôi đạt trọng lượng từ 100 – 120 kg mới xuất chuồng. Tính trung bình mỗi năm doanh thu từ đàn lợn đạt khoảng 4,3 tỷ đồng, trừ đi các chi phí chị thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Ngoài việc đầu tư vào chăn nuôi lợn gia đình chị Hường còn nuôi thêm 02 con bò sinh sản, nuôi gà thịt với quy mô từ 300 – 500 con/lứa nhằm khai thác tối đa thuận lợi về đất đai, nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương để tăng thêm thu nhập.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi của mình chị Trần Thị Hường cho biết thêm: Chăn nuôi là nghề có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế gia đình và có thể làm giàu được từ nó. Để chăn nuôi có hiệu quả, bền vững ngay từ lúc đầu gia đình chị đã quyết định đầu tư nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, sử dụng hệ thống chuồng kín nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu về tiểu khí hậu chuồng nuôi và hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh. Trong thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại lớn nhưng đàn lợn gia đình chị vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh và khỏe mạnh. Chị cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi bao gồm yếu tố con người, phương tiện vận chuyển, thức ăn... và thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng là yếu tố quyết định. Đồng thời khi chăn nuôi thì phải chọn con giống có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và phải có đàn lợn nái sinh sản để chủ động con giống mới hạn chế được dịch bệnh và rủi ro về thị trường khi đầu tư. Trong chăn nuôi lợn phải chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn, viêm phổi dính sườn, khô thai ở lợn nái, E.coli sưng mặt phù đầu lợn con… Đối với chăn nuôi gà phải dùng các loại vắc xin: Newcastle, Gumboro, IB,… để phòng bệnh và phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì mới đảm bảo được an toàn dịch bệnh.

Không những đầu tư cho trang trại mình, gia đình chị Hường còn giúp đỡ nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương cùng phát triển; các hộ chăn nuôi mua con giống từ trại chăn nuôi của chị đều được đầu tư thức ăn chăn nuôi trả chậm, tư vẫn hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để chăn nuôi có hiệu quả.

Chị Hường chăm sóc đàn lợn của gia đình

 

Nói về mô hình chăn nuôi và phát triển kinh tế của chị Trần Thị Hường, ông Nguyễn Đình Lý chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hà cho biết: Đây là mô hình làm kinh tế trang trại thuộc diện lớn nhất xã và làm ăn có hiệu quả. Bản thân chị Hường là người táo bạo, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất. Ngoài việc tổ chức sản xuất làm giàu cho bản thân và gia đình, chị còn là một hội viên nông dân có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ người dân cùng làm ăn, phát triển. Mô hình trang trại của gia đình chị là điển hình cho phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương; đồng thời là địa chỉ để cho người dân tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất.

Qua câu chuyện làm kinh tế của gia đình Trần Thị Hường cho thấy chăn nuôi là một lĩnh vực vốn có nhiều tiềm năng nhưng cũng có những khó khăn nhất định, mà đặc biệt là giá cả thị trường luôn có những biến động bấp bênh, khó lường và dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn còn phức tạp.  Mong rằng mô hình phát triển kinh tế của chị Hường sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Văn Thắng