FAO phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tạo ra một hệ thống sổ cái phân tán - được biết đến như một hệ thống dựa trên blockchain - có thể theo dõi vật nuôi và cho phép người tiêu dùng tự tin khi mua sản phẩm bằng cách xác minh lịch sử của con lợn. Sử dụng hệ thống blockchain, nông dân có thể ghi lại thông tin quan trọng trong quá trình chăn nuôi lợn bao gồm cả phả hệ, thức ăn, các bệnh mà lợn mắc trong quá trình nuôi và những loại thuốc được sử dụng…

Trước khi hệ thống được triển khai, người tiêu dùng không có phương tiện để xác minh thông tin này. Việc thực hiện hệ thống theo dõi mới là rất quan trọng để thiết lập niềm tin của người tiêu dùng và đảm bảo nông dân có thể mở rộng thị trường và kiếm được lợi nhuận hợp lý từ các khoản đầu tư của họ.

Ở Pa-pua Niu Ghi-nê, không có lễ kỷ niệm nào mà không có một con lợn quay. Là một trong số ít động vật có vú sống trên đảo, lợn đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa và kinh tế của đất nước. Theo truyền thống, các hộ chăn nuôi lợn đều cho thị trường tại địa phương, khi nhu cầu thịt lợn gia tăng trên toàn cầu có nghĩa là họ có cơ hội mới để tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Jiwaka, FAO và Liên minh Viễn thông quốc tế đã khái niệm hóa và thiết kế một hệ thống blockchain theo dõi chăn nuôi mới cho người chăn nuôi lợn nhỏ. Thông qua việc sử dụng thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và ứng dụng trên điện thoại thông minh, nông dân có thể lưu giữ hồ sơ kỹ thuật số về quá trình nuôi lợn - ví dụ như chế độ ăn của lợn, loại vắc-xin thích hợp đã tiêm cho lợn,... Nhờ vào lịch sử kỹ thuật số mạnh mẽ này, người mua có thể yên tâm về chất lượng thịt, trong khi nông dân lại kiếm được lợi tức hợp lý hơn từ khoản đầu tư của họ.

Hệ thống blockchain hiện đang được thí điểm tại tỉnh Jiwaka, nơi các thành viên cộng đồng mong muốn thử nghiệm sáng kiến này. Chính quyền tỉnh tài trợ điện thoại thông minh cho 25 nông dân sản xuất nhỏ và đào tạo họ về cách sử dụng ứng dụng blockchain. Các cơ quan truyền thông quốc gia cũng đang cải thiện kết nối băng thông rộng địa phương để nông dân có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh cập nhật hồ sơ chăn nuôi.

Johannes Pakange, một nông dân chăn nuôi lợn nhỏ cho biết: "Tôi đang mong muốn tìm công nghệ mới trong chăn nuôi lợn và tôi đã rất vui khi FAO đang thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc này ở Jiwakai. Tôi đã gắn thẻ cho lợn con của mình và khi lợn đạt khoảng 100 kg, tôi có thể bán và mọi người có thể truy cập thông tin về cách nuôi lợn của tôi".

FAO phát triển hệ thống theo dõi chăn nuôi để giúp người chăn nuôi lợn mở rộng thị trường

 

Phần mềm blockchain không những làm tăng niềm tin và cơ hội cho thị trường trong nước mà còn đặt nền tảng cho các hệ thống trong tương lai cho phép các nhà sản xuất nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu chăn nuôi.

Ngoài công nghệ blockchain, FAO cũng đang phát triển các sáng kiến khác liên quan đến chăn nuôi. Cùng với Sở Nông nghiệp và Chăn nuôi Pa-pua Niu Ghi-nê, FAO đang hỗ trợ các khóa đào tạo về chăn nuôi để nông dân chăn nuôi nhỏ có thể cải thiện sức khỏe và giá trị của đàn lợn. FAO và ITU cũng đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc phát triển chiến lược nông nghiệp điện tử quốc gia Pa-pua Niu Ghi-nê để giúp nước này tận dụng các công nghệ truyền thông giải quyết các thách thức nông nghiệp. Quan trọng hơn, FAO cũng đang làm việc với các quan chức y tế tỉnh để nâng cao nhận thức về  kháng sinh và tầm quan trọng của việc nuôi và tiêu thụ động vật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, FAO đang khuyến khích nông dân thực hành phương pháp “One Health – một sức khỏe” tích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe con người và động vật để giảm các mối đe dọa về bệnh và đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn.

Các bước tiếp theo cho dự án là cải thiện ứng dụng và cung cấp cho nhiều nhóm nông dân. FAO cũng đang làm việc với các ngân hàng và nhà khai thác di động để cho phép thanh toán được thực hiện trực tuyến.

Hiện tại, FAO cũng đang giúp nông dân tạo cơ hội mới trong chuỗi giá trị nhằm tăng thu nhập cho người dân hướng tới mục tiêu toàn cầu là không đói nghèo.

Quốc An

(theo FAO)