Tuy nhiên các giống gà này có năng suất thấp nên không phát triển rộng rãi trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay. Do vậy các nhà khoa học đã tạo ra các công thức lai giữa các giống gà nội với gà lông màu tạo gà lai lông màu nuôi thả vườn có ngoại hình săn chắc, màu lông đa dạng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
Các giống gà này có năng suất cao hơn hẳn các giống gà nội: gà Mía lai gà Hung có khối lượng lúc 13 tuần tuổi là 1,4-1,5 kg; gà Mía lai Lương Phượng là 1,8-1,9 kg lúc 13 tuần tuổi (gần tương đương với khối lượng gà Lương Phượng), có khối lượng 1,5-1,6 kg lúc 10 tuần tuổi; gà Mía lai Kabir có khối lượng 1,7-1,9 kg; gà Ri lai Lượng Phượng lúc 12 tuần tuổi đạt 1,5-1,7 kg. Chất lượng thịt thơm ngon, sức kháng bệnh tốt (tỷ lệ nuôi sống đạt từ 93-97%), gà có khả năng tự kiếm thức ăn cao, phù hợp với phương thức nuôi chăn thả và bán chăn thả. Vì vậy, các giống gà này cần được phát triển và khai thác rộng rãi trong sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có tính hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm chất lượng cao này. Do vậy, cần có một qui trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà lai lông màu thả vườn để áp dụng và phát triển vào chăn nuôi các giống gà này.
I. CHUỒNG TRẠI VÀ ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI
1.1. Yêu cầu chung
Xây dựng chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nền chuồng nên láng phẳng bằng xi măng, mỗi chuồng cần có hiên rộng từ 1-1,5m để tránh mưa gió hắt vào. Chuồng nuôi đảm bảo khô ráo và đặc biệt phải có ánh nắng chiếu vào.
Bãi chăn thả có độ dốc từ 5 - 450, không đọng nước, có cây tạo bóng mát, thông thoáng tốt. Bãi chăn thả có thể lợi dụng vườn cây ăn quả, hoặc các đồng ruộng khô ráo sau thu hoạch,... gà sẽ tận dụng được các loại cây xanh, sâu bọ, côn trùng, sỏi cát của vườn, đồng thời diệt được cỏ dại, sâu hại cho cây ăn quả. Bãi chăn thả rộng có thể chia thành nhiều khu để chăn thả luân phiên và tẩy uế, sát trùng được thuận lợi. Diện tích bãi chăn tối thiểu 3 m2/con. Trong bãi chăn có thể nuôi giun đất tạo nguồn thức ăn bổ sung đạm cho gà và kích thích gà vận động.
Khu vực chăn nuôi phải có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh, có hệ thống cổng ra vào, hệ thống hố sát trùng, tắm gội thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu vực chăn nuôi. Nếu chăn nuôi hộ gia đình thì phải có quần áo ở khu chăn nuôi và phải có bảo hộ lao động như ủng, khẩu trang....
Phun sát trùng toàn bộ phương tiện khi ra vào khu vực chăn nuôi có thể là hệ thống phun tự động hoặc có người trực để phun khử trùng.
Hạn chế sự tham quan ra vào khu vực chăn nuôi, không nên nuôi các vật nuôi khác như chó, mèo… trong khu vực chăn nuôi (nếu nuôi phải nhốt lại).
Khu vực chăn nuôi phải tách riêng với các khu vực phục vụ chăn nuôi khác như kho thức ăn, trạm ấp trứng, kho đựng chất độn chuồng. Đặc biệt là khu vực chứa phân phải có mái che, cách xa khu chăn nuôi và phải ở cuối hướng gió. Xây dựng hệ thống đường đi và thoát nước theo hệ thống chuồng nuôi. Xây dựng chuồng cách chuồng từ 20-30m. Chuồng nuôi phải cách xa nơi ở ít nhất là 30m. Phải có khu vực xử lý xác gà ốm, chết, tốt nhất là xây lò thiêu xác gia cầm thủ công. Khu vực này phải phun sát trùng thường xuyên.
1.2. Chuồng trại
Chuồng nuôi thực hiện phương thức "cùng vào - cùng ra" như vậy sẽ không chỉ ngăn chặn được bệnh tật mà còn hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
Trước khi nuôi gia cầm phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng có thể dùng: Biocid 0,3%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%,... quét vôi trắng nền chuồng, tường và hành lang chuồng nuôi, để khô và phun lại lần cuối trước khi thả gia cầm vào nuôi 1 ngày. Sau khi phun 5 giờ, mở cửa cho thông thoáng bay hết mùi rồi mới cho gà vào. Nếu khu đã chăn nuôi thì phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) thì mới đưa gia cầm vào nuôi.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, nhưng tránh gió lùa. Chuồng úm gà 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không. Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gà chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt.
Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố sát trùng hoặc phải có khay đựng thuốc sát trùng (Crezin 3%, foocmon 2% hoặc vôi bột) để sát trùng ủng và xe cải tiến trước khi vào chuồng nuôi.
Bãi chăn thả phải được vệ sinh phun thuốc sát trùng và rắc vôi bột trước và sau mỗi đợt nuôi gà.
1.3. Chuẩn bị dụng cụ chăn nuôi
Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quây gia cầm… phải được tẩy rửa, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô. Phơi khô phun hoặc xông bằng thuốc tím và focmon chất độn chuồng. Độ dày của chất độn chuồng tùy thuộc vào mùa vụ.
Các thiết bị chăn nuôi như chụp sưởi, máng ăn, máng uống phải được sắp đặt sẵn ở trong quây và phải bật chụp sưởi cho ấm trước khi thả gà mới nở vào. Xung quanh chuồng phải chuẩn bị hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông focmon trước khi đưa vào sử dụng. Xác định diện tích nền chuồng để quây gia cầm cho thích hợp.
(còn nữa)
TS. Nguyễn Duy Điều
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia