Để triển khai thành công mô hình, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức tập huấn đầu vụ và giữa vụ nhằm hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân trong và ngoài mô hình. Mô hình triển khai áp dụng thiết bị sạ cụm 10 hàng với mật độ gieo sạ 4 kg/sào (80 kg/ha), các hàng cách nhau 25 cm, mỗi cụm được sạ có từ 8 – 12 hạt/cụm, các cụm trên cùng một hàng cách nhau 14 cm, thời gian gieo sạ là 3 giờ/ha (tính từ khâu làm phẳng, lên rò, tạo rãnh thoát nước, gieo sạ).
Từ kết quả mô hình ở 2 vụ sản xuất cho thấy sạ lúa theo cụm giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã; sâu bệnh hại trên cây lúa giảm 3 – 5% so với đối chứng. Năng suất thực thu 70 – 77 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5 – 8%.
Anh Nguyễn Hữu Hạnh, nông dân tham gia mô hình cho biết: “Đây là vụ thứ hai tôi tham gia mô hình sạ cụm. Kết quả cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, đặc biệt là cây lúa cứng cây, so với các ruộng khác sạ cùng giống bằng phương pháp sạ lan thì ruộng lúa bị đổ ngã, trong khi ruộng nhà tôi lúa đứng hoàn toàn. Vụ tiếp theo tôi tiếp tục sử dụng phương pháp sạ cụm này, vừa giảm giống, lúa sinh trưởng phát triển tốt và cứng cây”.
Ông Phan Hòa Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Tân, cho biết: “Áp dụng máy sạ lúa theo cụm phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Theo đó, thời gian gieo sạ giảm đáng kể chỉ mất 03 giờ/ha, trong khi đó canh tác sạ lúa theo phương thức truyền thống (sạ lan) với mật độ từ 5 – 6 kg/sào phải mất đến 140 giờ/ha (tương ứng với 17,5 công lao động) nên năng suất lao động và hiệu quả sản xuất không cao. Ngoài ra, giảm được chi phí giống, giảm công gieo sạ, đặc biệt lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã giai đoạn thu hoạch nhờ vậy năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây. Các vụ lúa tiếp theo HTX có kế hoạch để nhân rộng mô hình này ra các thôn khác trên địa bàn xã”.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: “Qua 2 vụ lúa triển khai mô hình sạ cụm có thể khẳng định rằng sạ lúa theo cụm giảm giống gieo sạ là vấn đề đầu tiên trong tiến trình giảm chi phí đầu vào sản xuất lúa. Kết quả mô hình cho thấy năng suất lúa tăng từ 5 - 8% và hiệu quả kinh tế tăng 18 - 28% so với ruộng lúa đối chứng gieo sạ theo kiểu truyền thống trong cùng mùa vụ, mà quan trọng là lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, điều này rất quan trọng trong việc sản xuất lúa giống trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này ở các HTX liên kết sản xuất lúa giống, sản xuất lúa hữu cơ và những vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh để góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giảm tối đa lượng giống và công lao động, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa và hiệu quả kinh tế./.
Nguyễn Cường
Trung tâm Khuyến nông Bình Định