Kết quả triển khai mô hình tại các địa phương cho thấy, giống nghệ N8 không bị nhiễm bệnh thối củ, năng suất củ trung bình đạt 27 - 32 tấn/ha, cao hơn các giống nghệ hiện nay đang được trồng phổ biến tại các địa phương từ 10 - 15%. Nhằm giới thiệu và phổ biến giống nghệ N8 ra ngoài sản xuất, Trung tâm Tài nguyên thực vật xin giới thiệu với quý độc giả “Quy trình kỹ thuật canh tác nghệ giống N8”.
1. NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM
a) Nguồn gốc
Giống nghệ N8 được tuyển chọn từ quần thể phân ly của giống nghệ Bá Thước do Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện giai đoạn 2014 – 2017. Giống nghệ N8 được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản xuất thử năm 2017, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã đăng ký giống tiêu chuẩn cơ sở năm 2022.
b) Đặc điểm
Giống nghệ N8 thuộc loại hình sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với điều kiện nóng, hạn, rầy xanh, bệnh thối củ, thích ứng với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Khu vực Bắc Trung bộ. TGST dao động từ 280 - 300 ngày tùy điều kiện canh tác, khối lượng lớn, ruột đỏ, năng suất cao biến động từ 26 - 33 tấn/ha, chất lượng tốt, hàm lượng Curcumin trên 6%, tinh dầu trên 2,5%. Giống nghệ N8 thích ứng trên đất phù sa ven sông và nội đồng, giàu mùn, thoát nước, tầng canh tác dày 20 - 40 cm, độ cao dưới 2000m so với mặt biển, nhiệt độ không khí trung bình năm 20 - 28oC, lượng mưa 1.500 - 2.500 mm/năm.
|
|
Mô hình trồng nghệ N8 tại Hưng Yên |
2. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
a) Thời vụ trồng nghệ
Khung thời vụ tốt nhất áp dụng cho giống nghệ N8 tiến hành từ 20/2-10/3 đối với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
b) Chọn đất và lên luống
Cần chọn đất cao dễ tưới tiêu, tầng canh tác dày từ 20-40 cm, tơi xốp, thoáng khí, giàu mùn, độ pH = 6-7. Đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, lên luống rộng 1,2 m, dài 10 m (bao gồm cả rãnh 50 cm), sâu 20 cm.
c) Mật độ và khoảng cách trồng
- Trồng thuần: 50 x 20cm (hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 20 cm)
Sau khi lên luống tiến hành rạch 2 hàng theo chiều dài luống sao cho khoảng cách giữa các hàng 50 cm, hàng cách mép luống 20 cm, rạch hàng sâu 10 cm. Khoảng cách giữa các khóm trên hàng 30 cm, đảm bảo mật độ 5 vạn khóm/ha.
- Trồng xen: mật độ 2,5 vạn khóm/ha
Những nơi có điều kiện trồng xen trong vườn cây ăn quả hay cây công nghiệp tiến hành trồng xen 5 hàng nghệ giữa 2 hàng cây lưu niên có khoảng cách 8 m trở lên.
d) Phân bón (cho 1 ha)
- Đối với nghệ trồng thuần:
200 kg N + 120 kg P2O5 + 200 K2O và 2.000 kg HCVS sông Gianh.
+ Bón lót theo hàng 100% phân HCVS + 100% P2O5 + 1/3 N + 1/3 K2O,
+ Bón thúc lần 1 sau trồng 40 ngày: 1/3 N + 1/3 K2O kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun nhẹ,
+ Bón thúc lần 2 sau trồng 80 ngày: 1/3 N + 1/3 K2O kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun cao.
- Trồng xen nghệ N8 trong vườn cây ăn quả, cây công nghiệp
100 kg N + 90kg P2O5 + 100 kg K2O + 2.000 kg HCVS
Phương pháp bón: tương tự trồng thuần.
e) Chuẩn bị hom hoặc cây giống
- Hom giống được thu hoạch từ ruộng giống sinh trưởng tốt, đồng đều, không sâu bệnh, có TGST sau mọc trên 285 ngày.
- Sau khi thu hoạch, toàn bộ củ được làm sạch và bảo quản trong đất phù sa tỷ lệ 2 đất 1 củ giống, duy trì độ ẩm đất 85% trong suốt thời gian bảo quản.
- Trước thời vụ trồng 30 ngày tiến hành chia cắt hom giống thành những mẩu nhỏ có chiều dài khoảng 5 cm, sau đó ngâm trong hỗn hợp thuốc trừ nấm Topsin M70WP và Dithane M-45 80WP trong 20 phút trước khi ủ thúc mầm
- Đối với những địa phương có đủ điều kiện nhân giống bằng công nghệ In vitro sẽ thực hiện khử trùng vật liệu bằng nuôi cấy mô. Khử trùng vật liệu bằng NaOCl 20% và HgCl2 0.1%, nhân chồi trong môi trường MS + 1mg/l 2ip-R + 0.5mg/l NAA + 30g/l sucrose + 6g/l agar, tạo cây con hoàn chỉnh trong môi trường MS + 1mg/l NAA + 30g/l sucrose + 6g/l, sử dụng đất phù sa + trấu hun tỷ lệ 1:1 hoặc đất phù sa + sơ dừa tỷ lệ 1:1 làm giá thể cho cây con ngoài vườn ươm. Khi cây con đạt 4-5 lá có thể chuyển trồng trên đồng ruộng.
g) Tưới tiêu
Nghệ là cây trồng cạn không có khả năng chịu úng ngập, nhưng vẫn cần độ ẩm đất từ 75-80% để sinh trưởng, phát triển. Do đó trong điều kiện khô hạn độ ẩm đất <75% thì cần tưới bổ sung. Nếu điều kiện tưới không chủ động có thể che phủ mặt luống bằng xác hữu cơ hay nilon đen để giữ ẩm, hạn chế sự bốc thoát hơi nước mặt đất. Trong điều kiện mưa ngập kéo dài cần có giải pháp tiêu thoát nước kịp thời.
h) Phòng trừ sâu bệnh
- Rầy xanh (Amrasca devastans Distant) thuộc họ Bọ nhảy (Jassidea)
Phát sinh gây hại mạnh ở những chân ruộng khô hạn, bón nhiều phân đạm, bộ lá phát triển mạnh. Điều kiện nhiệt độ 27 -28 độ C, ẩm độ không khí 80 - 85% thì thuận lợi cho rầy xanh sinh trưởng và gây hại nặng. Rầy xanh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, làm mất diệp lục, giảm diện tích lá và có thể làm cây chết nhanh. Để phòng trừ loai sâu này cần dọn vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất trước khi trồng bằng Basudin, Purazan. Khi sâu xuất hiện trên lá, phun thuốc Actara 1g, Bassa 90 ml 50ND, Ôttatox 100ml 50EC.
- Bệnh thối khô củ:
Tác nhân gây bênh do nấm Rhizotonia solani. Vết bệnh xuất hiện ở bẹ lá chỗ gốc cây gần mặt đất là những đốm màu nâu xám, rộng khoảng 3-5mm. Sau đó vết bệnh lan rộng ra, không có hình dạng nhất định, xung quanh viền nâu đen. Lá bị bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc làm thối một phần củ, vết thối khô hơi xốp. Bệnh nặng có hể làm cây chết và củ bị thối hoàn toàn. Biện pháp phòng trừ chính là thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch, lên luống cao thoát nước, bón phân hữu cơ ủ hoai mục, không trồng mật độ dày quá, bón phân đạm vừa phải. Khi bệnh phát sinh phun thuốc Validacin, Anvil, Monceren, Carbenzim.
- Bệnh thối nhũn củ:
Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn Erwinia carotovora. Vết bệnh trên củ lúc đầu là một đốm nhỏ màu nâu xám, hơi mọng nước. Sau đó vết bệnh lớn dần và ăn sâu vào trong làm một phần củ bị thối mềm, cắt ngang chỗ thối thấy có dịch nhờn, cây bị bệnh lá úa vàng và đổ gục. Bệnh tiếp tục làm thối củ trong thời gian bảo quản. Biện pháp phòng trừ chính là không trồng củ bệnh, xử lý hom giống theo quy trình, có thể bón thêm vôi, lên luống cao thoát nước, không trồng mật độ dày quá, bón đủ phân lân và kali, đào bỏ cây bị bệnh, phun các thuốc Cupremicin, Kasura
3. THU HOẠCH
Nghệ được thu hoạch khi bộ lá đã chuyển sang màu vàng hay khô hoàn toàn, củ già với tỷ lệ trên 90%, màu ruột củ vàng đậm hay đỏ đặc trưng cho giống là thời điểm thu hoạch. Công đoạn thu hoạch có thể tiến hành bằng tay hay bằng máy tùy điều kiện của mỗi gia đình. Khối lượng củ sau khi được cuốc, xới đưa lên khỏi mặt đất sẽ được làm sạch bằng phương pháp ngâm rửa trong nước. Nghệ được ngâm nước trong các bể chứa bằng kim lại hay bê tông sao cho toàn bộ khối củ được ngấm đủ nước, các khối đất, đá, sỏi và tạp chất bám xung quanh bề mặt củ hút đủ nước. Sau 24 giờ nghệ được xúc rửa trong bể chứa sau đó vớt ra rải trên sàn gỗ, bê tông, nong nia, cót, bạt hay trên các vật liệu khác đồng thời tiến hành phun sối nước sạch lên toàn bộ khối củ để làm sạch lần cuối.
Lê Thị Loan
Trung tâm Tài nguyên thực vật