Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2025 là giai đoạn có tính chất quyết định đến an ninh lương thực của cả năm. Trước bối cảnh thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài và biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, ngành nông nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định đời sống nông dân và đảm bảo tăng trưởng ngành.”
Vụ Hè Thu, Mùa năm 2025 là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như hạn hán, bão lụt, các loại sâu bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại nặng như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu, chuột,.... Đặc biệt, vụ Hè thu, Mùa 2025 diễn ra trong giai đoạn thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã). Chỉ tiêu sản xuất lương thực năm 2025 là 1.033.475 tấn. Căn cứ kết quả sản xuất vụ Đông 2024 và ước vụ Xuân 2025, thì vụ Hè Thu - Mùa năm nay, Nghệ An phấn đấu đạt 400.360 tấn lương thực. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 77.500 ha lúa (56.000 ha lúa Hè Thu và 21.500 ha lúa Mùa), trong đó, cơ cấu 30.000 ha lúa chất lượng và khoảng 9.000 ha lúa lai; ngoài ra, sản xuất 11.000 ha ngô, 6.000 ha lạc, 11.600 ha rau và 4.500 vừng và đậu, đỗ các loại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp then chốt như: đảm bảo nguồn giống chất lượng cao, chủ động phòng chống sâu bệnh, tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và điều hành sản xuất nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Phải triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất, xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế, cụ thể từng vùng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở những vùng không có nước suốt cả vụ, sản xuất không an toàn, kém hiệu quả trong vụ Hè thu - Mùa sang các cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn để đảm bảo sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các KHCN, tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích các cây trồng sản xuất theo hướng an toàn (hữu cơ, VietGAP, ...) để nâng cao giá trị nông sản; hình thành các vùng sản xuất tập trung, tuân thủ các quy trình, quy chuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản của địa phương.
Đối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An: Tổ chức tuyên truyền Đề án sản xuất cây trồng vụ Hè thu, Mùa 2025, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để sản xuất thâm canh các cây trồng vụ Hè thu, Mùa đến tận người sản xuất thông qua các lớp tập huấn, đào tạo. Xây dựng các mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp với các địa phương mở rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, ... và các tiến bộ kỹ thuật mới khác. Ngoài triển khai đề án sản xuất cây trồng vụ Hè thu, Mùa 2025, thời điểm hiện nay Trung tâm Khuyến nông cần tập trung cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp các địa phương hướng dẫn người dân phòng trừ các loại dịch bệnh gây hại trên lúa vụ xuân năm 2025./.
Hồ Thị Hiền
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An