Tham dự Diễn đàn có 220 đại biểu, trong đó 140 đại biểu là nông dân nuôi trồng thủy sản của 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Kim Văn Tiêu – Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Vương Đắc Hùng – Phó GĐ Sở NN&PTNT Hòa Bình chủ trì Diễn đàn.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, mỗi vùng miền có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, củng cố và hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Trong những năm qua, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã ban hành Kế hoạch/Đề án thực hiện Chương trình OCOP. Các tỉnh miền núi phía Bắc với lợi thế nhiều sông, hồ thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản đã định hướng đưa các sản phẩm thủy sản là đối tượng để thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, có thể kể đến một số sản phẩm thủy sản đạt sản phẩm chứng nhận OCOP như: Sản phẩm cá rô phi phi lê và cá lăng đen phi lê của Công ty TTHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh đạt Chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao của UBND tỉnh Hòa Bình; Sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ (hộ kinh doanh Nguyễn Văn Mạnh) đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Tuyên Quang đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; Sở Nông nghiệp &PTNT Tuyên Quang cũng đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá 3 sản phẩm cá sạch Na Hang (cá phi lê, chả cắt khúc, cá nguyên con) của công ty TNHH MTV Thủy sản Đức Nguyên và đang hoàn thiện hồ sơ 03 sản phẩm cá (cá lăng phi lê, chả cá lăng, ruốc cá lăng) của công ty TNHH lâm sản và dịch vụ Long Giang để đề nghị chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020; Sản phẩm "Cá hồ Thác Bà" của tỉnh Yên Bái đã được cấp Nhãn hiệu chứng nhận và tỉnh có kế hoạch đưa sản phẩm này đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh…

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả của nghề nuôi trồng thủy sản lòng hồ, có nhiều hơn nữa những sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận OCOP, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc" nhằm giúp các doanh nghiệp, các hộ dân nuôi thủy sản lòng hồ tiếp cận với những thông tin về yêu cầu của sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, chính sách và các bước thực hiện để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, những biện pháp kỹ thuật nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao, phòng và trị bệnh cho cá nuôi…

Ban chủ tọa và Ban cố vấn Diễn đàn đã giải đáp thỏa đáng 26 câu hỏi do đại biểu tham dự Diễn đàn đặt ra. Bên cạnh đó, chuyên gia thủy sản đã phân tích mẫu vật cá bệnh do chính nông dân nuôi cá mang đến, hướng dẫn nông dân nhận biết bệnh và cách xử lý khi cá nuôi bị bệnh.

Nhằm phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:

- Đối với cơ quan quản lý: Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nuôi cá lồng; Tăng cường quản lý con giống và chất lượng con giống, kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, đặc biệt cần tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường; Tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi; Đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Đối với cơ quan nghiên cứu: Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các thiết kế lồng nuôi phù hợp với điều kiện thực tế khu vực, con giống có chất lượng, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh để chuyển giao cho nông dân; Ứng dụng vắc-xin trong phòng trị bệnh cá nuôi lồng.

- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: Tăng cường xây dựng các mô hình khuyến nông về cá lồng, đặc biệt ở những nơi có điều kiện phù hợp phát triển để tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế mặt nước, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Xây dựng các mô hình nuôi cá hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và nuôi công nghệ cao hướng tới sản phẩm OCOP; Xây dựng mô hình gắn với tập huấn, đào tạo, nhân rộng mô hình.

- Đối với cơ quan thông tấn báo chí: Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình mới, mô hình hiệu quả để bà con nông dân biết học tập và làm theo.

- Đối với bà con nông dân cần thực hiện theo 5 bài học sau: (1) Trước khi nuôi bà con nên tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng;  (2) Chuẩn bị đầy đủ vật chất, tinh thần; (3) Nên thực hiện từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đếm phức tạp; (4) Ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm cho vụ sau; (5) Luôn chủ động, sáng tạo, say mê, có khát vọng làm giàu.

Theo ghi nhận, hầu hết nông dân tham dự đều hài lòng với những thông tin đã được cung cấp tại Diễn đàn. Hy vọng đây là cơ sở để người nuôi thủy sản thay đổi tư duy với phương thức nuôi mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất hiệu quả, chất lượng sản phẩm an toàn, đạt chứng nhận OCOP.

Một số hình ảnh trong hai ngày diễn ra Diễn đàn:

Ban chủ tọa, ban cố vấn Diễn đàn

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ sông Đà của công ty Cường Thịnh

 

Nhiều đại biểu quan tâm về quy trình sản xuất, các bước để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của công ty Cường Thịnh

 

Nông dân mang cá bệnh đến Diễn đàn để được chuyên gia hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho cá nuôi

 

Chuyên gia phân tích nguyên nhân gây bệnh trên cá nuôi cho nông dân tại Diễn đàn

 

 

Nhiều nông dân mong được tham dự Diễn đàn để trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất của mình

 

HM