Khát vọng đổi thay với cây mắc ca - loài cây mệnh danh là "nữ hoàng"

Ngày 15/3/2022 Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quyết định số 344/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, phấn đấu tổng diện tích trồng mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030. Cây mắc ca sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha).

Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương phát triển cây mắc ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực triển khai các mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại các tỉnh khu vực Tây Bắc.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải) - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiểm tra mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại gia đình anh Cà Văn Lợi, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên)

Trong chuyến công tác Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp được tận mắt chứng kiến sự phát triển, cũng như sức sống mạnh mẽ của cây mắc ca trên mảnh đất Tây Bắc. Chia sẻ với chúng tôi, các hộ đang trồng cây mắc ca đều chung suy nghĩ và kỳ vọng, mắc ca không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ là cây hứa hẹn cho thu về tiền tỷ.

Gặp tôi, anh Cà Văn Lợi, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) phấn khởi cho biết, gia đình anh đang trồng 8ha cây mắc ca từ năm 2021. Trước đây, gia đình trồng 10ha cà phê nhưng do giá mỗi năm lại xuống thấp và đầu ra rất khó khăn, trong khi chi phí đầu tư cao nên anh đã quyết định chuyển sang trồng mắc ca.

Tôi có hỏi anh Lợi rằng, mắc ca là giống cây mới được đưa lên vùng Tây Bắc và cũng là lần đầu tiên anh tiếp cận với giống cây này, chắc sẽ gặp nhiều khó khăn chứ? Anh không sợ thất bại sao?

Anh Lợi tự tin nói, năm 2021 anh may mắn được tham gia dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia. Tham gia dự án, anh được Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên (đơn vị triển khai thực hiện mô hình) giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật trồng cây mắc ca nên rất yên tâm bắt tay ngay vào trồng.

Không những thế, anh Lợi còn kể tỉ mỉ với tôi, năm đầu tiên khi tham gia mô hình, anh được hỗ trợ mỗi ha 308 cây giống, 145kg phân NPK, 84 kg vôi bột. Bước sang năm thứ 2, mỗi ha được hỗ trợ 560 kg phân vi sinh Quế Lâm và 28 kg vôi.

"Ban đầu bản thân tôi cũng phân vân vì chưa hiểu biết gì về cây mắc ca. Nhưng nhìn giá cà phê cứ bập bõm, giảm theo từng năm nên đã đánh liều trồng thử, may mắn được cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật.

Mặc dù là cây trồng mới nhưng nhìn thấy các hộ đã trồng trước đó thì cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng trước đây như: cà phê, lúa, sắn, ngô… Vì thế tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào giống cây mới này. Hiện nay, cây mắc ca của gia đình tôi đã bước sang năm thứ hai và đang phát triển rất tốt. Dự kiến đến năm 2025 sẽ cho thu hoạch quả vụ đầu tiên", anh Lợi chia sẻ.

Trao đổi với tôi, ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên nói, mô hình trồng cây mắc ca là hướng đi mới và cần thiết nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, phù hợp với khí hậu của địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất.

Thông qua mô hình, nhằm tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân học tập, nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh có đầu tư, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tạo sinh kế bền vững cho nông dân Tây Bắc

Tại tỉnh Sơn La, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng triển khai dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại vùng Tây Bắc, quy mô 56 ha và được triển khai trong 3 năm, từ 2021- 2023.

Theo đó, mô hình cây mắc ca được trồng xen trong diện tích nương cà phê tại xã Bản Lầm và Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), quy mô năm 2021 là 14 ha, với 19 hộ tham gia. Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển cà phê của tỉnh và có tiềm năng để phát triển cây mắc ca, cũng như khả năng nhân rộng mô hình.

Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La (đơn vị triển khai thực hiện mô hình) đã tổ chức lớp tập huấn cho hơn 20 hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo vệ cây mắc ca; cung cấp 100% số lượng cây giống, vật tư phân bón cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, hướng dẫn các hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây mắc ca xen cà phê như: đào hố, trồng xen với cây cà phê theo mật độ 115 cây/ha.

leftcenterrightdel
Năm 2021, dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại vùng Tây Bắc được triển khai tại xã Bản Lầm và Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) 

Cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện và xã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo dõi các chỉ tiêu, tình hình sinh trưởng phát triển, sâu bệnh hại cây nhằm đánh giá khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng dự án, hướng tới nhân rộng mô hình tại các địa phương có diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian triển khai, qua kiểm tra mô hình cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cây trồng mới đạt 97%, không xuất hiện sâu bệnh, đánh giá bước đầu phù hợp với điều kiện khí hậu và sản xuất tại địa phương, đường kính gốc trung bình từ 1,2-1,5cm, chiều cao trung bình 1,1-1,2 m. Việc trồng xen mắc ca giúp vườn cà phê hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm cho cà phê, góp phần giúp cà phê tăng năng suất.

Mới đây, tại buổi kiểm tra mô hình trồng mắc ca của gia đình anh Cà Văn Lợi, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, cây mắc ca rất phù hợp và phát triển bền vững ở đất dốc, đặc biệt là địa hình đồi núi dốc của khu vực Tây Bắc.

Với dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại vùng Tây Bắc của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có tổng quy mô thực hiện năm 2022 là 105 ha (trồng mới 64 ha, chăm sóc năm thứ 2 là 41 ha). Tổng số hộ tham gia 119 hộ, trong đó trồng mới 60 hộ, chăm sóc năm thứ 2 là 59 hộ.

Hiện đã hoàn thành việc trồng mới 64 ha mắc ca tại 6 điểm trình diễn ở 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với tổng số hộ tham gia là 84 hộ. Đến nay, cây mắc ca ở mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 92%.

Ông Thanh cho biết, người dân tham gia dự án sẽ được hiểu biết sâu hơn về sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn cây giống, kỹ thuật trồng thâm canh, thu hái, sơ chế và bảo quản hạt mắc ca để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của các hộ dân tham gia dự án và là tiền đề để những hộ xung quang tham gia mở rộng mô hình khi dự án kết thúc.

Đồng thời, sẽ góp phần phát triển một ngành hàng có triển vọng, tạo ra hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Dân Việt

Link bài viết gốc