KHUYẾN NÔNG VIỆT NAM - 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN


Công cuộc "Đổi mới" do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đã đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và không ngừng phát triển trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ một nước có thu nhập thấp và thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới, sau hơn 1/4 thế kỷ thực hiện "Đổi mới", Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công cuộc “Đổi mới” đã đạt những thành tựu to lớn. Từ một nước thiếu lương thực triền miên phải nhập khẩu với số lượng hàng triệu tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu nông sản không đáng kể, nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản có vị thế quan trọng trên thế giới, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có khối lượng đứng hàng đầu thế giới như: gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, thủy sản... Sự phát triển của nông nghiệp không những đóng vai trò tiên quyết để Việt Nam đạt được những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc xóa đói giảm nghèo theo mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, mà nông nghiệp còn tạo điều kiện quan trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, là trụ đỡ vững chắc để đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới những năm gần đây.

Thành công của ngành nông nghiệp trong tiến trình Đổi mới vừa qua có sự đóng góp rất tích cực và quan trọng của hệ thống Khuyến nông Việt Nam với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

1. Sự phát triển về tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng lực lượng của hệ thống khuyến nông Việt Nam

Hoạt động khuyến nông từ xa xưa đã ông cha ta quan tâm để khuyến khích phát triển việc canh nông như: truyền thuyết về Vua Hùng dạy dân cấy lúa trồng dâu, Lễ hội "Tịch điền" (Vua xuống ruộng đi cày vào mùa xuân để động viên dân chúng bắt đầu năm sản xuất mới) từ thời tiền Lê, việc thành lập "Khuyến nông Sứ" thời Trần, việc Vua Quang Trung ban hành "Chiếu Khuyến nông"... Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách khuyến nông nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân.

Ngày 01/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/NĐ- CP về Khuyến nông, hệ thống khuyến nông chính thức được hình thành và phát triển. Trải qua 20 năm hoạt động đồng hành với tiến trình Đổi mới của Ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh và trở thành một hệ thống khá đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở thôn bản, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ở Trung ương, giai đoạn 1993- 2004, Cục Khuyến nông - Khuyến lâm thuộc Bộ Nông nghiệp thực hiện cả 2 chức năng quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp và hoạt động sự nghiệp khuyến nông; Vụ Nghề cá thuộc Bộ Thủy sản cũng thực hiện lẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước và công tác khuyến ngư. Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2005/NĐ - CP về Khuyến nông, Khuyến ngư, ở trung ương: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập (tách từ Cục Khuyến nông và Khuyến lâm) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến ngư thuộc Bộ Thủy sản. Đến năm 2008, khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia cũng hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia.

Ngày 28/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông thay Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, cơ quan Khuyến nông trung ương chính thức là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Mặc dù có sự thay đổi về tổ chức và tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn, nhưng tổ chức khuyến nông ở trung ương vẫn liên tục phát triển và là đầu mối thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ khuyến nông đối với hệ thống khuyến nông cả nước. Đầu mối hợp tác với các tổ chức khuyến nông trong khu vực và quốc tế, là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nội dung khuyến nông ở trung ương.

Ở địa phương, các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư cũng từng bước được phát triển và hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và thôn, bản. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Trung tâm Khuyến nông (hoặc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có 596 huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp (chiếm 955 số huyện, thị xã trong toàn quốc) đã có Trạm khuyến nông (hoặc Trạm khuyến nông - khuyến ngư).

Ở cấp xã: hiện có 51 tỉnh, thành phố có mạng lưới khuyến nông viên cơ sở, trong đó: khuyến nông viên cơ sở (KNV CS) chuyên trách từ 1-2 người/xã, mỗi thôn, bản có 01 cộng tác viên khuyến nông (bán chuyên trách); hiện có gần 700 Câu lạc bộ khuyến nông (CLB KN) cấp xã với gần 20.000 người tham gia. 

Cùng với phát triển về tổ chức, lực lượng cán bộ khuyến nông cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hệ thống khuyến nông chuyên trách có gần 17.200 người, trong đó: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có 90 người. Cấp tỉnh: khoảng 1.900 người. Cấp huyện: xấp xỉ 4.000 người. Cấp xã, lực lượng KNV CS xấp xỉ: 11.200 người. Cộng tác viên khuyến nông cấp thôn, bản: xấp xỉ 18.000 người. Phần lớn lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp đã được đào tạo về chuyên môn, được bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động khuyến nông, có kinh nghiệm thực tiễn và rất tâm huyết với nghề, thường xuyên gắn bó với sản xuất, với nông dân.

2. Phương pháp tiếp cận khuyến nông tiến bộ

Ngay từ những ngày đầu thành lập, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ, hài hòa 2 phương pháp tiếp cận khuyến nông cơ bản là:

+ PP Tiếp cận từ dưới lên: xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất và của nông dân ở từng vùng, miền, từng giai đoạn cụ thể;

+ PP Tiếp cận theo mục tiêu chiến lược: xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình khuyến nông trọng điểm nhằm tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, địa phương trong từng giai đoạn.

3. Nội dung, hình thức hoạt động khuyến nông thường xuyên đổi mới

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, giai đoạn nông nghiệp chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang phát triển kinh tế nông hộ, hệ thống khuyến nông cũng mới được thành lập, công tác khuyến nông chủ yếu tập trung phát triển kinh tế nông hộ, nhằm mục tiêu tăng năng suất, xoá đói giảm nghèo. Hoạt động khuyến nông thời kỳ này tập trung vào 19 chương trình khuyến nông trọng điểm quốc gia như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, các chương trình khuyến nông phát triển sản cây lúa, cây ngô, cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả; các chương trình khuyến nông chăn nuôi gia súc, gia cầm; chương trình thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông... Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chương trình khuyến lâm tập trung và phát triển trồng rừng nguyên liệu thâm canh, cây lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp. Các chương trình khuyến ngư tập trung phát triển 5 lĩnh vực bao gồm: (1) giống thuỷ sản, (2) nuôi tôm sú, (3) nuôi thuỷ sản nước lợ, nước mặn, nuôi trên biển, (4) nuôi thuỷ sản nước ngọt (5) khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh việc hỗ trợ đối tượng nông dân nghèo để xoá đói giảm nghèo, nội dung hoạt động khuyến nông đã chuyển san chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hoá, nông dân khá giả, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập và đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để góp phần nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản, nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, hoạt động khuyến nông cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông lâm thuỷ sản theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng kỹ canh tác "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", cơ giới hóa đồng bộ", ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. , liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo mô hình “cánh đồng mẫu”, “trang trại mẫu” … Trong những năm gần đây, hệ thống khuyến nông cả nước đang tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu….

4. Một số thành tựu nổi bật

a/ Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng.Trong những năm qua, cơ quan khuyến nông Trung ương đã:

- Tổ chức được gần 60 hội thi nhằm bình tuyển và tôn vinh những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ khuyến nông năng động, sáng tạo và các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tiến bộ để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất.

- Tổ chức thành công gần 50 Hội chợ với gần 7.000 gian hàng nông nghiệp trưng bày, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thu hút gần 1 triệu lượt người tham quan, mua sắm và trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

- Tổ chức trên 120 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với nhiều chuyên đề theo các lĩnh vực và nhu cầu thực tế sản xuất. Thu hút trên 30.000 người tham dự, trung bình khoảng 260 đại biểu/diễn đàn, trong đó trên 70% là người sản xuất.

- Phối hợp với hàng chục cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và khu vực để thông tin tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật: có gần 29.000 tin, bài, chuyên mục với chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của nông dân.

- Trang web Khuyến nông Việt Nam được đánh giá là trang báo điện tử có số người truy cập nhiều nhất trong các trang web của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay đã có trên 24 triệu lượt truy cập. (trên 11.000 lượt người truy cập/ngày).

- In và phát hành trên 100 số Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam với số lượng hàng triệu bản; in và phát hành gần 7.000 đĩa hình, gần 60 đầu sách kỹ thuật nông nghiệp, hàng nghìn tờ gấp các loại với số lượng hàng triệu bản.

Đồng thời hệ thống khuyến nông địa phương cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung và hình thức phong phú đa dạng, tạo điều kiện cung cấp thông tin tiến bộ kỹ thuật, cơ chế chính sách, giá cả thị trường kịp thời cho nông dân. Điển hình như các Trung tâm Khuyến nông: Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Bắc Giang…

b/ Công tác đào tạo, huấn luyện là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong hoạt động khuyến nông, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân. Nội dung đào tạo, tập huấn phong phú, sát nhu cầu của đối tượng; Phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới, Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn khuyến nông như đào tạo trực tiếp tại lớp học và hiện trường; đào tạo gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông và internet.

Trong hai thập kỷ qua, cơ quan khuyến nông Trung ương đã biên soạn 40 bộ tài liệu và 30 bộ công cụ tập huấn khuyến nông; tổ chức được khoảng 6.000 lớp tập huấn với hơn 210.000 lượt người tham gia. Đồng thời tổ chức hàng chục đoàn tham quan học tập trong nước và quốc tế với gần 900 lượt người tham gia, tạo điều kiện nâng cao năng lực về nghiệp vụ, trình độ chuyên môn theo từng chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ; nông dân.

Cùng với khuyến nông trung ương, hệ thống khuyến nông địa phương cũng đã tổ chức hàng chục ngàn lớp tập huấn cho hàng triệu lượt nông dân với nhiều các chuyên đề gắn với sản xuất của địa phương.

Gần đây, năm 2011 và 2012, hệ thống khuyến nông đã tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Với lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp được đào tạo cấp chứng chỉ sư phạm dạy nghề, đến nay cả nước đã có gần 2.500 cán bộ khuyến nông các cấp được đào tạo. Tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ “Kỹ năng sư phạm dạy nghề”.

c/ Các chương trình khuyến nông trồng trọt luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nội dung khuyến nông. Các chương trình rất đa dạng và gắn với chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng giai đoạn, từng vùng, miền cụ thể.

Trước năm 1993, diện tích gieo cấy lúa lai của Việt Nam chưa đáng kể, thông qua chương trình khuyến nông phát triển lúa lai. Đến nay diện tích gieo cấy lúa lai trong cả nước đạt khoảng 650 - 700 ngàn ha/năm, năng suất lúa trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha, làm tăng sản lượng trên 1,2 triệu tấn thóc/năm, đặc biệt nhiều tỉnh miền núi phía bắc, vùng miền trung năng suất và sản lượng lúa tăng nhanh và bền vững nhờ đưa lúa lai chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu góp phần tăng nhanh sản lượng lương thực. Tuỳ theo từng vùng, đặc trưng khí hậu, tập quán canh tác, dù ở bất cứ nơi đâu, vùng cao hay đồng bằng, những cán bộ khuyến nông vẫn luôn bám dân bám đất hàng ngày, những cánh đồng 50 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/héc ta/năm ngày càng nhiều trên cả nước.

d/ Trong lĩnh vực chăn nuôi, khuyến nông tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại, gia trại thâm canh với quy mô phù hợp. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các chương trình được thực hiện đồng bộ trên nhiều loại vật nuôi trọng điểm khác nhau như: chương trình cải tạo đàn bò vàng, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học, chăn nuôi dê, cừu; phát triển các giống .vật nuôi bản địa chất lượng cao như: trâu Yên Bái, bò H"Mông, gà H”Mông, lợn Móng Cái, các chương trình dự án khuyên nông chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh, tận dụng là chính sang chăn nuôi có đầu tư, thâm canh. Trong các mô hình về chăn nuôi, thú y đã quan tâm đến việc thay đổi nhận thức của người chăn nuôi trong chăn nuôi an toàn sinh học, vai trò của người chăn nuôi trong cộng đồng.

e/ Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chương trình khuyến lâm cũng được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, với trọng tâm là ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất cao, chất lượng phù hợp, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu, làm thực phẩm; đẩy mạnh canh tác nông lâm kết hợp gắn việc trồng rừng với tạo thu nhập, nâng cao đời sống và giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng. Các mô hình khuyến lâm đã thực hiện trồng mới được khoảng 86 ngàn ha rừng trình diễn trên địa bàn 40 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và tây nguyên với 58.350 hộ nông dân tham gia. Thông qua các chương trình khuyến lâm đã góp phần thay đổi được nhận thức của người nông dân từ sản xuất lâm nghiệp tự nhiên, quảng canh, dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang phát triển vốn rừng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, tăng độ che phủ rừng từ 35% trong thập kỷ 90 lên đến 48% vào năm 2011, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở các vùng biên giới, hải đảo.

g/ Hoạt động khuyến ngư cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần rất quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản phát triển vượt bậc trong 2 thập niên gần đây. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2007 công tác khuyến ngư đã xây dựng được hơn 9.000 mô hình trình diễn, nhập và chuyển giao hơn 70 công nghệ, tổ chức gần 28.000 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu người, 128 lớp tập huấn xoá đói giảm nghèo cho 2.700 lượt người tham dự. Thông qua các chương trình trọng điểm như: chương trình phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, chương trình nuôi thủy sản nước mặn, lợ, chương trình nuôi thủy sản nước ngọt, chương trình phát triển giống thủy sản, chương trình khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân thay đổi sâu sắc về phương thức sản xuất thủy sản từ chỗ chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi thả quảng canh sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh, từ nuôi tự phát phân tán sang nuôi trồng tập trung theo quy hoạch, gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu. Tạo nguồn thu xuất khẩu ngoại tệ đáng kể cho đất nước: năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2010 đạt trên 5 tỷ USD.

h/ Các chương trình khuyến nông về cơ giới hoá, bảo quản và chế biến nông lâm sản cũng được triển khai và đạt kết quả tích cực nhằm giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Thông qua chương trình dự án đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển. Hiện nay trong sản xuất lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, vận chuyển đạt trên 85%, trong khâu tưới tiêu trên 90%, khâu thu hoạch trên 60%, tạo điều kiện giải phóng lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất lao động; giảm chi phí lao động, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động lúc thời vụ căng thẳng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, rút ngắn thời gian gieo cấy và thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất.

i/ Ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao và hoạt động khuyến nông đô thị: Nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt đối với các loại nông sản có giá trị kinh tế cao hệ thống khuyến nông đã hướng dẫn nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính). Vùng đô thị hướng dẫn nông dân sản xuất hoa, cây cảnh, cá cảnh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến các loại nông lâm thủy sản để gia tăng giá trị... Các địa phương đi đầu trong lĩnh vực này là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc và Cần Thơ…

k/ Hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông đã đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực và vị thế của hệ thống khuyến nông Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đấu mối của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong chương trình hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN về đào tạo nông dân và tổ chức tuần lễ nông dân ASEAN (AWGATE). Trung tâm Khuyến nông quốc gia và một số tổ chức khuyến nông địa phương cũng tham gia nhiều dự án hoặc nội dung hợp tác quốc tế về khuyến nông do các quốc gia và các tổ chức quốc tế tài trợ; cử hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông các cấp tham dự nhiều khóa học, hội thảo, tập huấn về khuyến nông tại Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Israel, Nhật, Mỹ, Australia, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…

Thông qua các dự án/Chương trình hợp tác quốc tế, năng lực của hệ thống khuyến nông trung ươg và nhiều địa phương được tăng cường rõ rệt.. Khoảng 500.000 lượt cán bộ khuyến nông và nông dân được tham gia tập huấn tăng cường năng lực tại các dự án, hợp phần, tiểu dự án, tiểu hợp phần mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các dự án quốc tế thực hiện.

Những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi và những đóng góp quan trọng trên đây của Hệ thống khuyến nông nói chung và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói riêng đã được hàng triệu hộ nông dân trong cả nước khẳng định, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương và nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

5. Mục tiêu và định hướng phát triển

Mục tiêu phát triển chung trong chặng đường tới của hệ thống khuyến nông Việt Nam là: phát huy truyền thống và những thành tích, kinh nghiệm đạt trong 20 năm qua, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nông dân trong nước, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nước ta và tích cực hợp tác, hội nhập với các tổ chức khuyến nông trong khu vực và thế giới.

Để đạt mục tiêu đó, hoạt động khuyến nông cần tập trung vào một số định hướng cơ bản sau:

Một là, tiếp tục kết hợp phương pháp tiếp cận khuyến nông từ nhu cầu của nông dân và tiếp cận theo chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm.

Hệ thống khuyến nông cần bám sát chủ trương và chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế của nông dân, của thực tiễn sản xuất để xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm. Trước hết tập trung vào những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, các tiểu vùng còn nhiều tiềm năng phát triển, các yếu tố sản xuất có nhiều cơ hội để ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự tăng trưởng có tính đột phá. Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng hoạt động tự phát, phân tán, dàn trải để tập trung nguồn lực đầu tư và sự chỉ đạo cho những chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ứng dụng khoa học công nghệ trên một số lĩnh vực sản xuất chủ lực. Hoạt động khuyến nông cần tập trung phục vụ trực tiếp các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu...

Hai là, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

Nội dung hoạt động khuyến nông cần cụ thể, thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ, các kinh nghiệm, điển hình tiên tiến, bám sát nhu cầu của nông dân và thực tiễn sản xuất từng địa phương, từng thời gian. Cần tránh cả hai khuynh hướng không tốt là: bảo thủ, ngại tiếp cận chuyển giao công nghệ mới hoặc nóng vội chủ quan trong chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới dẫn đến gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh công tác phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ, hoạt động khuyến nông cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nông trại, kiến thức kinh doanh, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản để giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường công nghệ, vật tư và nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện khuyến nông, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông để tăng khả năng tiếp cập của nông dân với các kênh thông tin khuyến nông. Tiếp tục mở rộng các mô hình hoạt động dịch vụ, tư vấn khuyến nông trực tiếp tại các diễn đàn, các câu lạc bộ khuyến nông hoặc trên các phương tiện truyền thông, điện thoại, internet... để đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của nông dân.

Ba là, tiếp tục đề xuất bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến nông cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của nông dân.

Phạm vi các chính sách khuyến nông mở rộng, bên cạnh chính sách hỗ trợ khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như hiện nay, cần bổ sung chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất an toàn theo GAP, các giải pháp mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, các mô hình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản...

Phương thức hỗ trợ khuyến nông cần điều chỉnh theo hướng phân biệt rõ hơn đối với hai nhóm mục tiêu và đối tượng:

Đối với hộ nghèo, hộ sản xuất thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, hộ sản xuất tự cấp tự túc là chính ... áp dụng chính sách khuyến nông hỗ trợ không hoàn lại như hiện nay để giúp họ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Đối với hộ sản xuất hàng hóa, hộ công nhân nông lâm trường, chủ trang trại, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp: áp dụng chính sách khuyến nông hỗ trợ có hoàn lại một phần hoặc toàn bộ để tái tạo và bảo tồn lập Quỹ Khuyến nông, đảm bảo nguồn đầu tư ổn định cho hoạt động khuyến nông.

Đồng thời thực hiện xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông, trong đó hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông cần được thí điểm, tổng kết, nhân rộng.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp. Hiện nay, mặc dù với số lượng khá đông đảo nhưng chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ khuyến nông còn nhiều hạn chế. Điều kiện làm việc vất vả nhưng chế độ đãi ngộ thấp nên khó động viên và thu hút cán bộ giỏi tham gia hoạt động khuyến nông, đặc biệt ở vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc.

Trong những năm tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và chất lượng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông là yếu tố có ý nghĩa quyết định để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Trong đào tạo, bồi dưỡng cần coi trọng cả bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và phương pháp, kỹ năng hoạt động khuyến nông, ứng dụng các phương pháp khuyến nông tiên tiến để nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở.

Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển đã qua, mỗi cán bộ khuyến nông Việt Nam phấn khởi, tự hào với những thành tích đã đạt được, đồng thời quyết tâm tiếp tục phấn đấu, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nông dân, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.