Đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Ngày 8/9/2023, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm công tác khuyến nông của tỉnh Hậu Giang (2004 - 2023). Đây là hội nghị hướng tới 30 năm thành lập Khuyến nông Việt Nam (1993 - 2023). Dự hội nghị có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đại biểu là cán bộ khuyến nông tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ, cách doanh nghiệp đồng hành cùng hoạt động khuyến nông trong phát triển sản xuất. 

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, qua 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã từng bước được củng cố kiện toàn và không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Các mô hình khuyến nông đã góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hoá, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, khuyến nông cũng tuyên truyền kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hoạt động thông tin tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ mũi nhọn của hoạt động khuyến nông, luôn đi trước và hoạt động thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Trong 20 năm qua, mạng lưới khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 500 cuộc tọa đàm, hội thảo đầu bờ với hàng chục ngàn lượt nông dân tham dự. Lực lượng khuyến nông đã tư vấn cho hàng trăm ngàn lượt nông dân về quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chính sách, pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp.

Hậu Giang xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là 3 chủ thể có mối quan hệ mật thiết với nhau và là thế mạnh kinh tế của tỉnh. Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và là giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Là một tỉnh nông nghiệp với diện tích đất sản xuất hơn 146.000ha, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là thế mạnh trụ cột thứ 2 của tỉnh. Hậu Giang sẽ phát triển theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững. Phát triển quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến. Trong đó, có định hướng, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường, cũng như thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai.

Hiện nay, Hậu Giang đang đẩy mạnh hoạt động khuyến nông gắn với những mô hình nông nghiệp an toàn, mô hình khuyến nông đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh vào sản xuất... Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã từng bước tiếp cận, thử nghiệm và nhân rộng các nội dung, mô hình mới phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của từng địa phương.

Lan tỏa "làn gió mới" khuyến nông cộng đồng

 

Từ nhiều năm qua, khuyến nông Hậu Giang đã tổ chức hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở với việc thành lập tổ kỹ thuật nông nghiệp cấp xã. Mỗi tổ được bố trí 3 thành viên, gồm cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn đều có tổ kỹ thuật nông nghiệp hoạt động.  

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn Tỉnh Hậu Giang đã thành lập và tổ chức ra mắt 51 tổ khuyến nông cộng đồng tại 51 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Mỗi tổ khuyến nông cộng đồng có trung bình từ 7 - 10 thành viên, thành phần nòng cốt là khuyến nông viên làm việc tại xã, cán bộ chăn nuôi - thú y, bảo vệ thực vật, đại diện lãnh đạo UBND xã, các đoàn thể xã, cán bộ phụ trách nông thôn mới, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương... Tổ khuyến nông cộng đồng tham gia triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí trung ương, tỉnh, huyện và triển khai các dịch vụ khuyến nông cho bà con nông dân.

Ngoài ra, Hậu Giang đã thành lập được 2 điểm tư vấn – dịch vụ khuyến nông tại thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh. Ngoài nhiệm vụ tư vấn miễn phí cho bà con nông dân, đây còn là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của bà con nông dân. Đồng thời là địa chỉ tin cậy cung ứng vật tư phục vụ sản nông nghiệp như lúa giống, rau màu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ sinh học và các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới, thiết bị tưới tự động... Hình thức hoạt động này đã bước đầu cho thấy góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ viên chức hệ thống khuyến nông.

Về định hướng phát triển trong những năm tới, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông, kết hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, khuyến nông xã hội nhằm huy động, thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của nông dân, các tổ chức của nông dân, cộng đồng khi tham gia hoạt động khuyến nông trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

leftcenterrightdel

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh tặng giấy khen cho các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hoạt động khuyến nông tại Hậu Giang

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, Khuyến nông Hậu Giang là đơn vị có tuổi đời trẻ nhất trong hệ thống khuyến nông tại ĐBSCL. Tuy nhiên, với 20 năm hoạt động, phát triển, Khuyến nông Hậu Giang đã phản ánh đầy đủ quá trình phát triển 30 năm của Khuyến nông Việt Nam. Từ 6 cán bộ ban đầu được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, thiếu thốn về điều kiện làm việc, đến nay, Khuyến nông Hậu Giang đã có hơn 200 cán bộ và là tỉnh có hệ thống khuyến nông hoàn chỉnh từ tỉnh xuống cấp huyện, xã.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin tưởng, Khuyến nông Hậu Giang sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một trong những trung tâm khuyến nông hoạt động mạnh, hiệu quả, có dịch vụ khuyến nông đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất của bà con nông dân. Thời gian tới, hoạt động khuyến nông sẽ đi theo hướng xã hội hóa. Khuyến nông nhà nước sẽ đóng vai trò dẫn dắt, còn lại hoạt động là khuyến nông của doanh nghiệp, nông dân làm khuyến nông, tạo thành mạng lưới khuyến nông hoàn chỉnh đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhân dịp này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tặng giấy khen cho các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hoạt động khuyến nông tại Hậu Giang.

   Về quan điểm đổi mới hoạt động khuyến nông giai đoạn tới, ông Võ Xuân Tân, giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đã nếu một loạt định hướng như: Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông. Chuyển đổi tư duy hoạt động khuyến nông từ khuyến nông bao cấp sang khuyến nông dịch vụ, từ khuyến nông kỹ thuật sang khuyến nông thị trường, từ khuyến nông hỗ trợ sang khuyến nông có thu, từ khuyến nông kế hoạch sang khuyến nông đặt hàng, từ khuyến nông đơn giá trị sang khuyến nông đa giá trị, từ khuyến nông sản xuất sang khuyến nông chuỗi giá trị, ngành hàng, từ khuyến nông cá nhân sang khuyến nông cộng đồng, từ khuyến nông một bên sang khuyến nông nhiều bên, khuyến nông có sự tham gia...  

 

Theo NNVN