Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội thảo. Có hơn 400 đại biểu từ các cục, vụ, viện, trường thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các tổ khuyến nông cộng đồng trên cả nước tham dự Hội thảo.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị để tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT ban hành Quyết định số 1094 /QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.
Khuyến nông cộng đồng – sức lan tỏa rộng khắp
Sau tròn 1 năm triển khai đề án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai đồng bộ các hoạt động trong Đề án, đồng thời cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, tổ khuyến nông cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc và vượt ra khỏi khuôn khổ một đề án.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đến nay 13 tỉnh trong Đề án đã thành lập được 149 tổ khuyến nông cộng đồng với 900 thành viên tham gia, trong đó có 26 tổ trong đề án thí điểm và 123 tổ tại các vùng nguyên liệu.
Với sự lan tỏa vượt ra khỏi đề án, đến nay trên cả nước có thêm 12 tỉnh ngoài Đề án cũng đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, một số tỉnh đã thành lập số lượng lớn các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng (132 tổ), Cần Thơ (56 tổ), Hậu Giang (50 tổ); Quảng Nam (đến 2024 phấn đấu 100% xã có tổ khuyến nông cộng đồng), Tiền Giang (có 138/162 xã có tổ khuyến nông cộng đồng)...
Chức năng nhiệm vụ của tổ là: Chuyển giao công nghệ, khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; Đào tạo nông dân số; Các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương.
Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, khuyến nông viên, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, ...
Sau 1 năm triển khai đã tổ chức được 13 cuộc tọa đàm, 26 lớp tập huấn, 4 hội thảo vùng cho hơn 1000 đại biểu tham dự; xây dựng 13 clip giới thiệu quá trình thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, 5 bộ tài liệu tập huấn về phương pháp khuyến nông cộng đồng cho thành viên của tổ.
Điển hình như Quảng Trị là một trong 13 tỉnh thực hiện Đề án, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 67 tổ với gần 600 thành viên, chiếm gần 80% số xã trên toàn tỉnh. Ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Tổ cụm Vĩnh Linh-Gio Linh-Cam Lộ đã tập huấn cho nông dân về khoa học kỹ thuật, định hướng, tư vấn, hỗ trợ nông dân, HTX phát triển, sản xuất theo các tiêu chuẩn FSC, PEFC, VFSC..., hướng dẫn các tổ quản lý, vận hành máy bay không người lái, xây dựng kế hoạch bay dịch vụ, phun thuốc BVTV cho nông dân. Tổ cụm Hải Lăng-Triệu Phong đã hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương trong việc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho đoàn thể; tư vấn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã.
Tổ khuyến nông cộng đồng cũng được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Như Kiên Giang, thành lập tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở kiện toàn bộ máy tổ kinh tế kỹ thuật xã, phường, thị trấn. Tổ khuyến nông cộng đồng có thể phụ trách 2-3 xã, hoặc một xã có 1 tổ khuyến nông cộng đồng. Ở Quảng Trị mỗi xã có 1 tổ. Một số tỉnh sau khi thành lập đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để tăng cường năng lực cho khuyến nông cộng đồng. Một số tổ bước đầu đã cung cấp dịch vụ khuyến nông và có thu nhập từ dịch vụ như tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cà phê tham gia thu mua cà phê, tham gia giám sát, đánh giá chứng nhận sản xuất cà phê theo chuẩn xuất khẩu.
Khuyến nông cộng đồng - Kết nối với khuyến nông doanh nghiệp
Kết quả bước đầu của đề án là khuyến nông nhà nước đã cùng với khuyến nông doanh nghiệp thực hiện các thoả thuận hợp tác tại 5 vùng nguyên liệu gồm: với Doveco tại vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc; với Vĩnh Hiệp tại vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên; với các doanh nghiệp vật tư, đầu vào và xuất khẩu gạo tại vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền Trung và vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên, vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười. Điển hình như đã ký thỏa thuận với Công ty Tiến Phong Cam Lộ, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị về xây dựng và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng vùng nguyên liệu tại Quảng Trị, với Doveco tại Sơn La, Hoà Bình, với Vĩnh Hiệp cà phê tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên, với các doanh nghiệp vật tư, đầu vào và xuất khẩu gạo.
Ông Hoàng Thi Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai cho biết, thời gian qua, tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), các HTX trong vùng nguyên liệu cà phê đã hướng dẫn nông dân sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng tiêu chuẩn bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại trong sản xuất và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn. Đồng thời khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh học, cũng như Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp rất tâm đắc khi Bộ Nông nghiệp - PTNT quan tâm xây dựng đề án tổ khuyến nông cộng đồng. Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đứng tốp 2 tại Việt Nam, là đối tác xuất khẩu, nhà cung ứng cà phê uy tín và có trách nhiệm trong nhiều năm qua, với hơn 60% sản lượng cà phê bán ra thị trường đạt các chứng nhận sản xuất bền vững toàn cầu, vì vậy ông Hiệp cho rằng tổ khuyến nông cộng đồng sẽ hỗ trợ, giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chất lượng. Với mục tiêu phát triển ổn định vùng nguyên liệu cà phê bền vững gắn với bao tiêu sản phẩm, Vĩnh Hiệp không ngừng duy trì, mở rộng đội ngũ cộng tác viên địa bàn và phối hợp với các tổ khuyến nông cộng đồng tại Gia Lai để đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, giải quyết những khó khăn, thách thức diễn ra trên vùng nguyên liệu cà phê của nông dân và HTX sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và khuyến nông cùng chia sẻ lợi nhuận, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng sẽ đóng vai trò là CEO khuyến nông.
Với khao khát lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ tiếp tục hợp tác với tổ khuyến nông cộng đồng tổ chức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu...
|
|
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp rất tâm đắc khi Bộ Nông nghiệp - PTNT quan tâm xây dựng đề án tổ khuyến nông cộng đồng |
Ông Tuấn – Quỹ Thiện Tâm cũng rất tâm đắc với khuyến nông cộng đồng vì đây là tổ chức gần dân nhất, là nòng cốt tạo sinh kế cho nông dân giảm nghèo bền vững. Hiện đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng Nông thôn mới Trung ương trong việc xây dựng mô hình điển hình, gắn liên kết phát triển vùng, nâng cao năng lực cho khuyến nông cơ sở. Ông cho rằng: “Mỗi cán bộ khuyến nông cơ sở phải trở thành bác sĩ đa khoa nông nghiệp để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất”.
Khuyến nông cộng đồng - Những khó khăn cần tháo gỡ
Đã có những khó khăn nhất định trong hoạt động của lực lượng khuyến nông công đồng thời gian qua, đó là: trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ: liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số và nhiệm vụ chính trị khác. Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu (phương tiện đi lại, thiết bị đào tạo...); chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc hướng dẫn thành lập tổ khuyến nông cộng đồng; thiếu sự quản lý tổ khuyến nông cộng đồng.
Vì vậy, tại hội thảo các đại biểu cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò tổ khuyến nông cộng đồng, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; có tài liệu hướng dẫn cho tổ hoạt động, sớm kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất theo một mô hình từ cơ chế chính sách. Các tỉnh ngoài đề án đề nghị được Bộ bổ sung vào đề án để làm căn cứ pháp lý cho địa phương triển khai thực hiện.
|
|
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo |
Tiếp tục duy trì lực lượng khuyến nông cơ sở
Dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam rất vui khi khuyến nông ở cộng đồng bước đầu được đề cao và bắt đầu thấy được vai trò của hệ thống khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, xây dựng đội ngũ khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng không phải trên lý thuyết mà phải xây dựng làm sao giúp cho lực lượng khuyến nông cơ sở có thu nhập ổn định để họ yên tâm, sống được bằng nghề khuyến nông và làm tốt nhiệm vụ khuyến nông.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay việc triển khai chính sách về lĩnh vực ngành nông nghiệp từ Chính phủ xuống Bộ, xuống tỉnh, huyện nhưng khi xuống tới cấp xã lại rất hạn chế. Bởi cấp xã hiện nay chỉ có 1 biên chế về khuyến nông viên nhưng đảm nhiệm nhiều lĩnh vực nên không đảm đương nổi tất cả mọi công việc. Do đó có thể nói rất thiếu đội ngũ triển khai chính sách cụ thể để hướng dẫn nông dân. Mặt khác, nhiều tỉnh thành lập các trung tâm dịch vụ ở cấp huyện nhưng đội ngũ này chỉ làm tư vấn, dịch vụ để có nguồn thu, chứ không làm nhiệm vụ khuyến nông. Thứ trưởng khẳng định, việc củng cố, phát huy vai trò hệ thống khuyến nông tại các địa phương là rất quan trọng. Lực lượng khuyến nông cơ sở chính là “cánh tay nối dài” cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần tiếp tục duy trì lực lượng này.
Thứ trưởng đã nêu 6 vấn đề để các địa phương nghiên cứu, tiếp tục triển khai duy trì lực lượng khuyến nông cơ sở, đó là:
Một là, phải hiểu rõ hơn về khuyến nông là đa ngành nông nghiệp và có yếu tố gắn với xã hội, đồng thời còn tham gia công tác chính trị tại các địa phương. Cụ thể: Khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn thông tin thị trường hướng dẫn nông dân trồng cây gì, bán ở đâu..., tổ chức lại sản xuất cho nông dân, chuyển giao công nghệ số cho bà con, khuyến nông làm công tác chính trị tại địa phương. Phải coi khuyến nông tỉnh là nòng cốt, xây dựng khuyến nông cơ sở và khuyến nông doanh nghiệp.
Hai là, khuyến nông gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, gắn với liên kết xây dựng hợp tác xã. Thứ trưởng đề nghị: “Chúng ta cứ làm, yếu chỗ nào bổ sung chỗ đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, như vậy mới thành công”. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới.
Ba là, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông. Cần có đào tạo nâng cao năng lực nghề ở nước ngoài.
Bốn là, khuyến nông gắn với xây dựng nông thôn mới bởi rất nhiều chương trình nông thôn mới cần lực lượng khuyến nông, khuyến nông cơ sở phải đi vào thực tế. Ưu tiên mô hình ở thôn bản để củng cố và kiện toàn hệ thống khuyến nông.
Năm là, chính sách cho đội ngũ khuyến nông. Từng bước qua đề án khuyến nông cộng đồng đề xuất chính sách hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông trụ vững ở cơ sở.
Sáu là, các địa phương tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng chương trình hoạt động khuyến nông, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn cục, vụ, viện, trường để cùng tạo chuỗi sức mạnh trong triển khai, đạt hiệu quả cao.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trao bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng cho các tỉnh tham gia đề án.
|
|
Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng cho các tỉnh tham gia đề án |
Nguyệt Thư