Thành phần tham gia là cán bộ nông nghiệp và môi trường xã, cán bộ thú y, bảo vệ thực vật và đại diện các tổ chức chuyên môn, các cán bộ đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...), giám đốc hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Đánh giá bước đầu nhiều Tổ KNCĐ hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người nông dân tại địa phương.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã trực tiếp đến từng huyện thị, thành phố  nắm bắt tình hình cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương xây dựng Tổ KNCĐ; đồng thời tổ chức những khóa tập huấn kỹ thuật cây trồng, con vật nuôi, kỹ năng khuyến nông nhằm tăng cường năng lực cho thành viên tham gia các tổ; Đặc biệt, tập trung nguồn lực để xây dựng Tổ KNCĐ đối với 39 xã đã, đang và sẽ về đích nông thôn mới theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Phối hợp với Đài truyền hình Quảng Nam tuyên truyền một số hoạt động về xây dựng Tổ KNCĐ trên địa bàn tỉnh nhằm kêu gọi để các tổ chức, cá nhân có tâm huyết với nông nghiệp, yêu thích nghề nông, gắn bó với cộng đồng  tham gia thành viên của Tổ KNCĐ; Biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 1.100 cuốn sổ tay Khuyến nông đến các thành viên tham gia tổ KNCĐ và các cá nhân làm công tác khuyến nông cấp huyện, xã. Sổ tay chứa đựng nhiều nội dung bổ ích như thông tin kết nối từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp/Trung tâm Kỹ thuất nông nghiệp cấp huyện, các quy trình kỹ thuật cần thiết cho sản xuất, một số văn bản liên quan đến xây dựng Tổ KNCĐ; Thành lập nhóm zalo Tổ KNCĐ Quảng Nam với hơn 200 thành viên tham gia, nhằm chia sẻ nhiều quy trình kỹ thuật nuôi/trồng, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, con vật nuôi phục vụ sản xuất; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật cho từng đối tượng; chia sẻ nhiều văn bản hướng dẫn, thông báo,…về các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; dự báo thời tiết, khí hậu, phòng chống thiên tai, đây là kênh thông tin đến với cộng đồng nhanh và hiệu quả.

Đến cuối năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 810 thành viên/27 lớp tại 27 xã về đích nông thôn mới trong năm 2021-2025. Bên cạnh đó, với sự quan tâm, tạo điều kiện của các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn kinh phí, Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 26 lớp tập huấn cho đối tượng là thành viên Tổ KNCĐ hoặc dự kiến là thành viên Tổ KNCĐ với hơn 600 người tham gia.

leftcenterrightdel

Báo cáo viên Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam trình bày chuyên đề tại lớp tập huấn cho tổ KNCĐ

Những kết quả bước đầu sau 2 năm thành lập Tổ KNCĐ của các địa phương đã thực hiện được các hoạt động nổi bật sau: Ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lớp đào tạo, tập huấn, các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ, tổ chức quản lý kinh doanh nông nghiệp hiệu quả bền vững cho nông dân còn xây dựng được những mô hình và các hoạt động tiêu biểu như: Liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hoa cây cảnh tại phường Thanh Hà, phường Cẩm Châu; Mô hình Tổ đoàn kết nghề câu tại xã Tân Hiệp; Hoạt động chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng dưa lưới tại xã Cẩm Hà, trồng lúa hữu cơ tại xã Cẩm Thanh; Hoạt động tư vấn thành lập HTX nông nghiệp tại phường Cẩm Châu (Thành phố Hội An); Tham gia tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; Vận động người dân thực hiện chỉnh trang, cải tạo vườn trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; Khảo sát và lấy danh sách các hộ nông dân có nhu cầu tham gia các mô hình liên kết như gà đẻ trứng, heo thịt, sản xuất giống lúa mới, mã số vùng trồng cây dưa hấu, trồng ớt hàng hóa, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35/NĐ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ( huyện Phú Ninh); Mô hình phân hữu cơ tại xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình); Mô hình trồng rau muống biển tại Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ ).

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được vẫn còn gặp nhiều khó khăn:

- Sản xuất nông nghiệp của tỉnh có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc đầu tư cho nông nghiệp nói chung và cho công tác khuyến nông nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa, chưa có cơ chế huy động nguồn lực hiệu quả.

- Việc chuyển đổi cơ cấu lao động hiện nay làm cho lao động chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng ít, người dân tham gia hoạt động nông nghiệp đa phần ở độ tuổi cao. Do vậy, các thành viên của Tổ KNCĐ chủ yếu là người lớn tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên việc tiếp cận các văn bản quản lý, công nghệ kỹ thuật mới chậm dẫn đến việc chuyển giao tiến bộ KHKT khó khăn do đó hiệu quả hoạt động của Tổ KNCĐ cũng có phần ảnh hưởng.

- Do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ, chưa thực hiện được nhiệm vụ: liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số và nhiệm vụ chính trị khác. Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tổ KNCĐ; đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

- Năng lực đội ngũ khuyến nông, nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông chưa bắt kịp trong việc phát triển của xã hội, chưa linh hoạt, đa dạng theo tình hình sản xuất, chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất hàng hóa, nhất là khâu liên kết sản xuất, quảng bá, kết nối bán hàng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi.

- Quá trình nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của Tổ KNCĐ chưa thật sự quan tâm. Một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện, vận động các thành phần và người dân tham gia Tổ KNCĐ; Hầu hết thành viên tham gia Tổ KNCĐ chưa được trang bị nghiệp vụ, kỹ năng khuyến nông cũng như những kiến thức hiểu biết cơ bản về kỹ thuật cây trồng, con vật nuôi nên việc hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn người sản xuất trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

- Trang thiết bị, máy móc, tài liệu, sổ sách còn thiếu, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi còn hạn chế; Kinh phí đi lại, hỗ trợ các hoạt động hội họp, không được hỗ trợ vì chưa có cơ chế, chính sách của Nhà nước các cấp nên ảnh hưởng đến nội dung và kết quả hoạt động của Tổ KNCĐ.

Từ những kết quả ban đầu và những hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ KNCĐ trong thời gian đến, cần tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường năng lực cho Tổ KNCĐ như: i) Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động và đề xuất các giải pháp hoạt động trong thời gian tới; ii) Trang bị tài liệu, cung cấp thông tin, tuyên truyền các nội dung về  xây dựng NTM, Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cho thành viên tổ Khuyến nông cộng đồng nắm rõ hiểu sâu và chuyển tải được đến nhân dân; iii) Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho tổ trưởng, tổ phó (KNV) về các nội dung thị trường, kinh tế tập thể, phát triển HTX, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, kỹ năng tư vấn, phương pháp xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh, khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm, xây dựng vận hành kênh bán hàng, truy xuất nguồn gốc các khóa trực tuyến và ngoại tuyến. Tổ chức thi KNCĐ giỏi; iiii) Tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ nông nghiệp về đầu vào sản xuất, đầu ra của sản phẩm để các Tổ KNCĐ ký kết hợp đồng và triển khai tại địa phương mình tại Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.

Nguyễn Ngọc Sơn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam