Chiều 4/11/2024, tại thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm Truyền thông khuyến nông cộng đồng về mô hình hoạt động Tổ Khuyến nông cộng đồng có hiệu quả.
Tham dự tọa đàm có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh; Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ khuyến nông cộng đồng, HTX, doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, trong giai đoạn 2022-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. đến nay, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với 47.293 thành viên tham gia; trong đó đề án thí điểm có 26 tổ khuyến nông cộng đồng với 156 thành viên; ngoài đề án có 5.141 tổ khuyến nông cộng đồng với 47.137 thành viên.
Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận về sự cần thiết, vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng.
Trang web Khuyến nông đã mở chuyên mục "Khuyến nông Cộng đồng", đăng tải 273 tin, bài, ảnh, video, ấn phẩm, gồm: 65 tin, bài và 195 ảnh, 3 video, 9 ấn phẩm, 1 phóng sự ảnh. Xây dựng phần mềm "Quản lý hoạt động khuyến nông", giúp theo dõi và đánh giá hiệu quả các tổ khuyến nông cộng đồng. Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã đăng tải gần 50 tin, bài, ảnh về các hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng trên toàn quốc…
Tổ chức 56 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng với 1.290 học viên tham gia. Các học viên đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về tư vấn, phát triển thị trường; phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã; ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn, liên kết tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, phòng trừ bệnh hại. Bên cạnh đó tổ chức 7 hội thảo, 28 tọa đàm để nâng cao nhận thức của các tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã về phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn, liên kết tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, phòng trừ bệnh hại… Qua đánh giá các học viên tham gia nhiệt tình, tiếp thu đầy đủ các kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương.
Kết quả đã đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 2.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng: kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, chuyển đổi số,… Đây là lực lượng nòng cốt để tham mưu, tư vấn và tổ chức các hoạt động khuyến nông cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.
Tọa đàm đã nghe 03 báo cáo tham luận của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh và nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu. Hầu hết các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề: Những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động của tổ KNCĐ, giới thiệu kết quả và kinh nghiệm trong việc xây dựng cũng như tổ chức hoạt động các Tổ KNCĐ, các vấn đề liên kết chuỗi; tổ chức HTX trong liên kết sản xuất, xây dựng và thúc đẩy vùng nguyên liệu gắn với yêu cầu của thị trường.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay, số lượng tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả còn chưa cao, chủ yếu còn hoạt động mang tính phong trào, hình thức. Nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hộ sản xuất đặt ra sự băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong tổ KNCĐ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên, TP Hà Tĩnh) cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong tổ KNCĐ như thế nào, tác động doanh nghiệp tham gia vào tổ KNCĐ ra sao. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục hiện nay, tổ KNCĐ cần phải giúp nông dân cập nhật xu thế sản xuất, nếu không bắt nhịp kịp thì sản xuất sẽ luôn đi sau thị trường.
Anh Trần Hữu Số, cán bộ Khuyến nông xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của khuyến nông cộng đồng, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trang thiết bị làm việc và hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hỗ trợ các mô hình sinh kế cho người dân trong vùng có điều kiện tiếp cận, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
Ông Trương Huy Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Tính đến nay, Hà Tĩnh đã có 183 tổ KNCĐ được thành lập với 2.337 thành viên. Các tổ khuyến nông cộng đồng đã lồng ghép các chương trình, dự án, nhân rộng các mô hình sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại số lượng các tổ KNCĐ hoạt động thực sự hiệu quả còn ít, một phần do chưa hiểu rõ cách thức hoạt động, các tổ KNCĐ chủ yếu thành lập dựa trên sự tự nguyện, năng lực còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ để hoạt động hiệu quả.
|
|
Trương Huy Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh đã cảm ơn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các doanh nghiệp, luôn đồng hành, quan tâm hỗ trợ Khuyến nông Hà Tĩnh trong hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh, tọa đàm mới chỉ là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện được ngành Nông nghiệp và PTNT và nhấn mạnh để tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả, cần nhờ vào hợp tác công tư, kết hợp hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở để tạo “cánh tay nối dài” nhằm ứng dụng chuyển giao nhanh các khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp, hoạt động đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền đến người dân thông qua tổ KNCĐ tại các địa phương để giúp bà con nông dân phát triển sản xuất thay đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp của các địa phương theo chuỗi giá trị và ngày càng có giá trị cao hơn.
|
|
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh phát biểu tại tọađàm |
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã khẳng định, khuyến nông cộng đồng là định hướng phát triển đúng đắn, kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Giúp người nông dân các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Từ khi triển khai đến nay cho thấy, các tổ khuyến nông cộng đồng đã dần thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông, cũng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông, tổ chức lại lực lượng khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cũng đã ghi nhận những kết quả đạt được về xây dựng và hoạt động của các tổ KNCĐ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trong thời gian qua, đồng thời tiếp thu các ý kiến từ tọa đàm để báo cáo lãnh đạo Bộ NN và PTNT để có những chủ trương, giải pháp cụ thể phù hợp trong thời gian tới. Ông cũng đề nghị Sở NN và PTN, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp cụ thể, phù hợp với mỗi địa phương để công tác khuyến nông cộng đồng hoạt động ngày càng hiệu quả.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh