Ông Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Lê Văn Hiến – Trưởng Ban quản lý các Dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án VnSAT đồng chủ trì hội thảo.
Ban chủ tọa hội nghị
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Văn Khởi nhấn mạnh vai trò của nước trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nguồn tài nguyên nước ngày càng khan hiếm. Các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, trong đó áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm là một giải pháp tối ưu.
Hội thảo là cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân cùng nhau trao đổi về thực trạng tưới nước cho cây cà phê ở Tây Nguyên, những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các công nghệ tiên tiến tưới tiết kiệm cho cây cà phê, đồng thời thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tích cực áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến.
Thực trạng tưới nước cho cây cà phê của các tỉnh Tây Nguyên
Với quan điểm của người dân tưới càng nhiều càng tốt, phải tưới nhiều thì cây cà phê mới đủ nước để ra hoa đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk, hàng năm tùy theo điều kiện thời tiết mà các chủ vườn cây cà phê thường tưới 3-5 đợt với lượng nước tưới bình quân 2500-2700 m3/ha. Như vậy so với quy trình ban hành lượng nước tưới 1800-2200 m3/ha, nông dân trồng cà phê đã sử dụng nước tưới rất nhiều gây lãng phí, thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi và làm giảm hiệu quả sản xuất cà phê.
Trong sản xuất thực tế hiện nay người dân thường áp dụng các phương pháp tưới là tưới gốc (tưới dí); tưới tràn, tưới phun mưa (dạng béc), trong đó tưới gốc khoảng hơn 60%; tưới phun mưa chiếm hơn 30%.
Tưới phun mưa cho cây cà phê
Công nghệ tiên tiến, tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê
Theo báo cáo của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt (hệ thống tưới Israel) và hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc (hệ thống tưới WASI) có nhiều ưu điểm như thiết bị dễ vận hành, tích hợp cả bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại trên cùng một hệ thống, tiết kiệm công lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí đầu vào 10-18 triệu/ha/năm, gia tăng năng suất khoảng 0,5 tấn nhân/ha; gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu/ha/năm; So với tưới truyền thống thì các hệ thống tưới tiết kiệm đã giảm được đáng kể lượng nước tưới (600-1150 lít/ gốc/ năm) tương ứng 25-47,9%; trong bố cảnh biến đối khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt, hạn hán ngày càng trầm trọng thì việc tiết kiệm được lượng nước như trên thực sự có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, bên cạnh đó tiết kiệm nước tưới góp phần sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý và tiết kiệm, giúp giảm cạnh tranh nguồn nước tưới giữa cà phê và các cây trồng khác, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực và hiệu quả hơn.
Người dân chưa mặn mà với công nghệ tưới nước tiên tiến
Mặc dù công nghệ tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng hiện tại diện tích trồng cà phê áp dụng công nghệ tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trong toàn tỉnh Đăk Lăk mới chỉ đạt được một con số khiêm tốn – khoảng 400 ha – chiếm tỷ lệ 0,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đối với Lâm Đồng diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới tiên tiến khoảng 14.900 ha chiếm 9,3% diện tích trồng cà phê trong đó tưới nhỏ giọt là 500 ha; tưới phun mưa 14.200 ha. Phần lớn diện tích cà phê được tưới bằng công nghệ tiên tiến này là những mô hình trình diễn được thực hiện bởi các dự án, các chương trình khuyến nông hoặc sự tài trợ của các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị tưới.
Sở dĩ người dân chưa thực sự mặn mà với công nghệ tưới tiên tiến do nhận thức của đa số người dân chưa hiểu rõ những ưu điểm và hiệu quả mang lại của việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê nên chưa mạnh dạn đầu tư, hơn nữa chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới còn cao chưa phù hợp với tiềm năng kinh tế của người nông dân, ngoài ra quy mô diện tích vườn cà phê còn nhỏ lẻ, để lắp đặt công nghệ tưới cần đòi hỏi vườn cây phải có một cơ sở hạ tầng hoàn thiện bao gồm giao thông, điện, nguồn nước,…
Giải pháp phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây cà phê ở Tây Nguyên
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, Giám đốc hợp phần Dự án VnSAT cho biết, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững (VnSAT) – hợp phần cây cà phê sẽ kết thúc năm 2020. Kết quả đầu ra của Dự án là phát triển 69.000 ha cà phê bền vững và 9.000 ha cà phê tái canh các giống cà phê tốt. Sau khi kết thúc dự án VnSAT trên toàn vùng Tây Nguyên phải tưới giảm nước cho 22.000 ha cây cà phê trong đó 2.200 ha tưới tiết kiệm bằng công nghệ Israel, công nghệ WASI và một số công nghệ khác.
Theo đánh giá của ngân hàng thế giới sau 2 năm triển khai mới chỉ đạt được 15.000 ha tưới giảm nước, chưa áp dụng công nghệ cao trong tưới cho cây cà phê. Dự kiến quý IV/2018, 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ triển khai 80 ha (tương đương 80 mô hình) tưới tiết kiệm nước áp dụng công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu của Dự án, ông Hiến đề nghị:
- Trung tâm khuyến nông 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp mạnh mẽ hơn với BQL Dự án VnSAT các tỉnh trong đó lồng ghép các hoạt động học tập truyền tải, tư vấn, nâng cao nhận thức của người nông dân và hướng dẫn cho bà con nông dân trong vùng dự án nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung trong vấn đề sản xuất cà phê bền vững đặc biệt là vấn đề tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê.
- Các viện nghiên cứu: WASI, Viện Môi trường và Tưới tiêu, các công ty, doanh nghiệp tiếp tục đúc kết kết quả để triển khai các giải pháp công nghệ, phương pháp tiếp cận, đồng thời đề xuất hoàn thiện quy mô và công nghệ tưới để phục vụ tốt nhất cây cà phê Tây Nguyên.
- Ban quản lý dự án địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân biết đến công nghệ tưới tiết kiệm nước và các chính sách ưu đãi của Dự án. Hỗ trợ nông dân một cách đơn giản nhất, giảm tối thiểu các thủ tục tài chính.
- Bà con nông dân cần thay đổi tập quán truyền thống trong vấn đề tưới nước cho cây cà phê. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh tiếp cận các công nghệ tưới tiên tiến cũng như tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ và Ngân hàng thế giới (Dự án VnSAT sẽ hỗ trợ 80% chi phí thiết kế và xây lắp, hỗ trợ 50% chi phí thiết bị - đây là cơ hội vàng cho bà con nông dân, HTX trong vùng dự án để phát triển cây cà phê bền vững ở vùng Tây Nguyên).
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia