Ngay từ khi lúa vụ mùa vẫn còn ở trên đồng, các hộ đã xuống giống bí vào bầu đất tại nhà hoặc đánh bùn gieo giống ngay tại đầu ruộng. Khi ruộng lúa có 2/3 số hạt trên bông đã chín, tiến hành rẽ lúa thành từng lối, luồn nhẹ bầu cây giống đặt vào chân gốc lúa, sau 2 - 3 ngày cây bí hồi xanh sẽ tiến hành cắt lúa theo hàng gieo giống. Cắt lúa đến đâu xới đất tạo rãnh, bón phân, lấp đất kín gốc bí đến đấy. Rơm rạ sau khi thu hoạch được dùng để phủ mặt luống.

 

Theo bà Nguyễn Thị Quyên thôn Tây 1 (Đông Xá): “Bí rất dễ chăm sóc, khả năng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, người trồng cũng cần hết sức cảnh giác với các bệnh như chết cây con, thán thư, phấn trắng, cháy lá giữa thân, hiện tượng khô đọt, thối trái non...”

 

Để hạn chế những bệnh này, hạt giống phải được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, không mang mầm bệnh. Ruộng trồng phải được bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo thoát nước tốt. Trong quá trình canh tác, tránh trồng quá dày; thường xuyên thu dọn sạch sẽ tàn dư thân, lá bị bệnh, tiêu diệt cỏ dại; theo dõi đồng ruộng để khi phát hiện cây, trái mắc bệnh tiến hành cắt bỏ ngay hoặc phun thuốc phòng trừ kịp thời. 

 

Theo tính toán của người nông dân xã Đông Xá, sản lượng bí trung bình hàng năm thu được từ 4 - 5 tạ/sào, với chi phí đầu tư từ 700.000 - 800.000 đồng/sào, người trồng có lãi 2 - 4 triệu đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với việc canh tác lúa trên cùng chân đất.

 

Hiện nay, tại xã Đông Xá hiện có 6 tổ chức, cá nhân đứng ra thu mua bí của bà con cung cấp cho các chợ đầu mối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bà con thu hoạch đến đâu thương lái ra tận ruộng thu mua đến đó, vì vậy nông dân không phải lo đầu ra, cũng không phải mất công vận chuyển.

 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi đã thu mua bí của nông dân xã Đông Xá 12 năm nay. Tôi giữ liên lạc với bà con qua điện thoại. Cứ đến vụ thu hoạch là bà con gọi điện thông báo, chúng tôi về địa phương thu mua. Để mua được đủ số lượng, chúng tôi phải đi đến từng ruộng bí, gặp chủ ruộng để dạm mua, muốn chắc chắn nhiều khi chúng tôi đặt cọc một ít tiền trước cho bà con yên tâm. Bà con hái xong mang lên đầu bờ, chúng tôi cân và trả tiền luôn, không nợ một ai. Một ngày tôi thu 4 - 5 tấn bí cho bà con, vào chính vụ thu mua 10 - 12 tấn bí/ngày. Bí Đông Xá có màu sắc đẹp, đặc ruột, ngon, vì vậy người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

leftcenterrightdel
Bí Đông Xá có màu sắc đẹp, đặc ruột, ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng

 

Ông Nguyễn Quang Thưởng, Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết: “Đông Xá trồng bí đã 20 năm nay. Đất ở đây rất phù hợp cho cây bí phát triển, bà con nông dân cần cù, chịu khó, giàu kinh nghiệm trồng bí. Khi thu hoạch xong lúa mùa, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Đông Hưng chỉ có gốc rạ thì ở Đông Xá lại được phủ bởi màu xanh của cây bí. Điều đó đã đưa Đông Xá trở thành “thủ phủ” bí của toàn huyện. Cũng nhờ tích cực trồng vụ đông, người trồng bí ở đây có thu nhập cao, gia đình trồng ít cũng thu vài triệu đồng/vụ, trồng nhiều thu 50 - 60 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, xã không chỉ mở rộng diện tích trồng bí đông mà còn trồng cả bí xuân và bí hè thu trên vùng đất chuyên màu để đưa cây bí trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương”.

 

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất vụ đông với cây trồng chủ lực là bí đỏ, nông dân xã Đông Xá có cách làm riêng, sáng tạo, do đó khi lúa được đưa về nhà thì bí đã lên xanh đồng, các địa phương khác bí chưa ra hoa thì bí ở đây đã bước vào vụ thu hoạch sớm. Điều đó giúp tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng bí. Đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm nhằm tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 

Nguyễn Duy Nghĩa

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình