Ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm EMIC

Tham gia mô hình, người dân được cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học EMIC và được Dự án hỗ trợ 100% chi phí mua chế phẩm. Trong suốt quá trình thử nghiệm, các hộ luôn được cán bộ kỹ thuật theo sát để hỗ trợ và cùng các thành viên đánh giá chất lượng phân ủ.

Chế phẩm sinh học EMIC có tác dụng phân giải rác thải, phế thải nông nghiệp, mùn hữu cơ, phân bắc và phân chuồng làm phân hữu cơ vi sinh; Phân giải nhanh chất thải hữu cơ trong nước thải, thúc đẩy nhanh quá trình làm sạch nước thải; Làm giảm tối đa mùi hôi thối của chất thải; Hạn chế mầm bệnh trong chất thải. Việc tận dụng rác thải, phế thải nông nghiệp, phân gia súc gia cầm ủ với chế phẩm sinh học EMIC không những rút ngắn thời gian phân hủy thành phân hữu cơ mà còn tiêu diệt được một số mầm bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra vì trong quá trình ủ một lượng nhiệt lớn được sinh ra.

 EMIC (bộ vi sinh vật hữu hiệu) là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu bao gồm: vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật tổng hợp chất dinh dưỡng, vi sinh vật sinh chất kháng sinh, vi sinh vật cố sinh chất kích thích sinh trưởng... 1 gam chế phẩm EMIC chứa trên 1 tỷ vi sinh vật.

Đánh giá kết quả ban đầu, tất cả các hộ thực hiện mô hình đều có nhận xét không còn mùi hôi thối của phân gia súc, phân ủ tơi xốp, dễ mang ra sử dụng sau khoảng 1 tháng ủ. Thực tế cho thấy, khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm EMIC cho cây trồng giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng nên giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ đó giảm chi phí sản xuất.

Anh Hữu Minh Tư ở thôn Hàm Rồng - xã Bạch Hà- huyện Yên Bình là một trong những hộ tham gia mô hình từ những ngày đầu. Vụ chiêm năm 2014 - 2015, anh đã thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm EMIC trên diện tích 3 sào lúa của gia đình. Anh chia sẻ: “Khi bón phân hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm EMIC cho lúa thì tôi thấy năng suất cao hơn hẳn so với vụ này năm trước, tăng từ 2 tạ/sào lên 2,3 tạ/sào. Trong khi những thửa ruộng xung quanh cấy giống lúa chiêm hương giống gia đình tôi nhưng cả vụ họ phải phun thuốc đạo ôn, khô vằn 4 - 5 lần, còn gia đình tôi chỉ phải phun 2 - 3 lần. Năm nay, tôi tiếp tục thử nghiệm bón phân ủ bằng chế phẩm EMIC cho rau và cây ăn quả trong vườn nhà”.

Ông Lại Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết: Năm 2013, được sự hỗ trợ của Dự án Tầm nhìn Thế giới, xã Bạch Hà đã có 25 hộ tham gia mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học EMIC. Qua thực tế nhiều vụ cho thấy, sử dụng chế phẩm sinh học EMIC không những tận dụng được những phế phụ phẩm nông nghiệp, làm giảm mức độ ô nhiễm mà còn đem lại nguồn phân hữu cơ cho người dân. Từ 25 hộ tham gia mô hình năm 2013 mà đến nay toàn xã Bạch Hà đã có hơn hơn 500 hộ sử dụng chế phẩm sinh học EMIC.

Không chỉ có hiệu quả trên cây lúa, mà trên các loại rau, màu hay cây ăn quả thì việc bón phân hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm EMIC đều cho thấy những hiệu quả rõ rệt về năng suất và độ phì của đất so với trước kia.

Hộ gia đình anh Lý Văn Tiệp (xã Phúc An - huyện Yên Bình) lại sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học EMIC trên cây ngô. Anh cho biết, so với những vụ trước thì vụ này năng suất cao hơn 2 tạ/sào, phần thân và lá cây vẫn còn xanh nên tận dụng được làm thức ăn cho trâu bò, đặc biệt đất tơi xốp hơn, bộ rễ của cây phát triển mạnh đã làm tăng khả năng chống đổ cho cây. 

Kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp do tận dụng được toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt, có thêm nguồn phân bón cho cây trồng, hạn chế được ô nhiễm môi trường là ưu điểm vượt trội mà người dân nhận thấy khi sử dụng chế phẩm EMIC để ủ phân vi sinh. Để chế phẩm sinh học nói chung và chế phẩm EMIC nói riêng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật đế người dân, góp phần đem lại nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững./.

Nguyễn Thị Hậu

Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình, Yên Bái