Xã Noong U là một xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, tổng diện tích cây lúa nước vụ mùa toàn xã là 306 ha. Mô hình được thực hiên với mục tiêu giúp người dân tiếp cận với các giống lúa mới, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để thay đổi phương thức sản xuất cũ, cải tạo đất trồng, quản lý các đối tượng sinh vật gây hại khoa học, hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học, chuyển dần sang sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu, bệnh hại lúa. Từ đó, giúp tăng năng suất ổn định, lâu dài.
Cán bộ kỹ thuật đã khảo sát và chọn được 50 hộ đủ điều kiện tham gia thực hiện mô hình. Các hộ được tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ giống, vật tư với định mức 100% giống lúa Dự Hương 8, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV cho 16 ha. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông cùng theo dõi, kiểm tra, giám sát từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Sau 05 tháng thực hiện mô hình, tiến hành đánh giá năng suất, bằng phương pháp đo đếm. Theo đó, đo từ 3 - 5 điểm đường chéo, mỗi điểm gặt đập 1m2 rồi cân lên trừ 30% hàm lượng nước trong hạt, lép lửng để tính ra năng suất lúa thực thu. Kết quả cho thấy, số bông đạt 226 bông/m2, tổng số 112 hạt/ bông, khối lượng 1000 hạt = 24gram. Năng suất thực thu đạt 66,17 tạ/ha, cao hơn năng suất ô đối chứng đạt 47,08 tạ/ha. Năng suất của mô hình tăng 19,09 tạ/ha so với giống lúa đối chứng. Tổng thu lãi cho 01 ha sau khi trừ chi phí ban đầu là 15.131.000 đồng.
|
|
Hội thảo đầu bờ tại cánh đồng bản Pá Ban - xã Noong U |
Tính trên 1 hec-ta, áp dụng quy trình của mô hình giúp giảm 30% lượng giống; giảm 20 công; thu nhập từ mô hình cao hơn 13.583.000 đồng/ha. Việc sử dụng phân hữu cơ đã góp phần cải tạo chất đất. Giống lúa Dự Hương 8 cho năng suất cao và ổn định, ít sâu bệnh và chất lượng gạo cao hơn so với sử dụng 100% các loại phân bón đạm, lân, kali clorua. Do việc bón phân cân đối, mật độ gieo cấy hợp lý, đồng thời áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong việc phòng trừ sinh vật gây hại nên số lần phun và chi phí thuốc BVTV trên ruộng mô hình giảm so với ruộng nông dân.
Hiệu quả bước đầu của mô hình là cơ sở để mở rộng những vụ tiếp theo, từ đó giúp người dân nơi đây thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả sản xuất để cải thiện kinh tế gia đình.
Hoàng Khắc Tân
Trung tâm Khuyến nông - giống cây trồng vật nuôi Điện Biên