Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết thời kỳ từ ngày 20/01 đến ngày 20/02/2024: Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 0,5-1,5 độ C, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến cao hơn từ 10-20 mm; các khu vực còn lại thuộc Trung Bộ phổ biến thấp hơn khoảng 5-10 mm so với TBNN cùng thời kỳ; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa. Ngoài ra, dự báo trong thời gian tới ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng tiếp tục chịu sự chi phối của không khí lạnh nên trời rét, có nơi rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Số ngày có mưa (chủ yếu là mưa nhỏ, mưa phùn, riêng vùng núi có ngày có mưa rào) sẽ cao hơn TBNN, thời tiết khá ẩm ướt, đặc biệt là tại các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.

Tình hình thời tiết trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn là thời điểm dễ bộc phát một số đối tượng sinh vật gây hại chính trên cây trồng. Để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023 – 2024, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

a) Bố trí lãnh đạo và cán bộ trực và giải quyết những nội dung liên quan đến chuyên môn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

b) Phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng; tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống kịp thời nơi có diện tích nhiễm cao, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bùng phát thành dịch trong dịp Tết tại từng vùng, cụ thể:

- Đối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Duyên Hải Nam Trung bộ: Theo dõi và chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn, sâu năn, ốc bươu vàng, chuột, … hại lúa; nhện đỏ, sâu vẽ bùa, sâu đục cành,… hại trên cây ăn quả có múi; nắm chắc diễn biến thời tiết để chủ động dự báo và hướng dẫn phòng chống các sinh vật gây hại bùng phát trong điều kiện mưa trái vụ, thời tiết bất thường như tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm,… hại trên cây hồ tiêu; bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại cây điều; bệnh đốm nâu, ốc,… hại thanh long.

- Các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên: Nắm chắc tình hình sản xuất thực tế ở địa phương, theo dõi sát diễn biến thời tiết và sự phát sinh của các sinh vật gây hại để chủ động trong chỉ đạo bảo vệ sản xuất. Cần chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng chính sau: Trên cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm; bọ xít muỗi, bệnh gỉ sắt,… hại cây cà phê; bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại trên cây điều; bệnh chết cây sầu riêng do nấm Phytophthora gây ra; sâu keo mùa thu hại ngô (lưu ý trà ngô 3 - 9 lá – xoáy nõn).

- Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Triển khai đồng loạt các biện pháp diệt chuột trong thời gian đổ ải, làm đất vụ Đông Xuân. Chủ động các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho mạ; theo dõi nguồn sâu chuyển vụ; thực hiện tốt công tác quản lý rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên mạ và lúa mới gieo, cấy. Chủ động phòng chống sinh vật gây hại trên cây vụ Đông.

c) Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và các đối tượng sinh vật gây hại chính trong dịp Tết tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

d) Thực hiện thông báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng hàng tuần theo quy định. Báo cáo ngay và trực tiếp với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vùng phụ trách khi có tình huống phát sinh vượt thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

BBT