Tham gia Diễn đàn có 200 đại biểu là đại diện các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, công ty, doanh nghiệp, các chuyên gia, cơ quan thông tấn báo chí và các hộ dân trên địa bàn 02 huyện Đắk Rlấp và Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

Cà phê là cây công nghiệp lâu năm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Với diện tích khoảng 142.000 ha cà phê, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, sản lượng cà phê trong niên vụ gần nhất (năm 2023) đạt 360.000 tấn, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên về diện tích, sản lượng, sau hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

 

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm cà phê trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và các hộ trồng cà phê chú trọng đầu tư công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Nhìn chung, năng suất, chất lượng cà phê của tỉnh đang dần được nâng cao. Hiện nay, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Ðắk Nông đạt gần 23.000 ha (các tiêu chuẩn: 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...), sản lượng ước khoảng 82.000 tấn/năm, một số Hợp tác xã và người dân đã và đang chủ động sản xuất cà phê vối theo hướng đặc sản, chất lượng cao với tổng diện tích ước khoảng 225 ha, sản lượng cà phê nhân đặc sản đạt 251 tấn. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm cà phê của 21 chủ thể đã được chứng nhận OCOP, trong đó, 6 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao.

 

Mặc dù diện tích, sản lượng lớn nhưng việc sản xuất cà phê tại Đắk Nông chưa thực sự bền vững, giá trị và sản lượng xuất khẩu của loại nông sản chủ lực này còn thấp. Thị trường chưa đa dạng, việc xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Đắk Nông hiện vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Vì vậy, việc sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, chất lượng cao, đặc sản để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, phát triển bền vững đang là định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

 

Tham gia Diễn đàn, đại diện tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) đã chia sẻ tầm quan trọng của việc sản xuất cà phê tiêu chuẩn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững; Các tiêu chuẩn chất lượng cà phê nhân xô hiện nay; Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong nghành cà phê Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu, người dân đã trao đổi, thảo luận các vấn đề gặp phải trong quá trình sản xuất cà phê, tập trung vào các nhóm vấn đề như: kỹ thuật sản xuất cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, các giải pháp kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất cà phê để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; sản phẩm vật tư nông nghiệp đầu vào (giống cây trồng, thuốc BVTV, ....); Đồng thời tập trung trao đổi các giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ xuất khẩu.

 

Diễn đàn được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao, giúp người dân có được thông tin bổ ích áp dụng vào sản xuất, nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ đó góp phần trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững./.

leftcenterrightdel
Ban chủ trì, cố vấn làm việc tại Diễn đàn 
  

Hoài Thanh

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông