Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp: 1) Giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu; 2) Giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; 3) Tiết kiệm thời gian và nguồn lực; 4) Nâng cao năng suất lao động; 5) Nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.
Trong những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là một trong những đơn vị tiên phong của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động; trong đó có hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo người nông dân. Năm 2024, Trung tâm phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) thực hiện dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững và toàn diện (TRANSITIONS)”. Theo đó đã giới thiệu và đào tạo người nông dân sử dụng công cụ theo dõi hoạt động sản xuất lúa và tính toán phát thải khí nhà kính cụ FarMoRe phục vụ Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Công cụ FarMoRe được phát triển bởi IRRI nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nông sinh nghiệp thái tại Việt Nam. Bằng cách thu thập dữ liệu và tạo báo cáo cấp đồng ruộng, FarMoRe hỗ trợ quá trình đồng sáng tạo và chia sẻ kiến thức giữa nông dân và các bên liên quan. Với chức năng tự động đánh giá thực hành canh tác lúa theo các tiêu chí sinh thái, bền vững do người dùng thiết lập, FarMoRe là một công cụ linh hoạt có thể hỗ trợ theo dõi và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Được tích hợp vào hệ thống Theo dõi và báo cáo sản xuất lúa quốc gia (RiceMoRe) thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, FarMoRe cũng có tiềm năng đóng góp vào xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất lúa xuyên suốt từ cấp đồng ruộng, xã, huyện, tỉnh đến cấp trung ương, hỗ trợ theo dõi, báo cáo và quản lý, chỉ đạo sản xuất theo các định hướng chiến lược về phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững, phát thải thấp của Chính phủ Việt Nam.
Nội dung hợp tác bao gồm xây dựng tài liệu, thông tin truyền thông và đào tạo tập huấn với các mục tiêu: (1) Tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX, nông dân chủ chốt về sản xuất lúa sinh thái hướng đến nông nghiệp xanh và phát thải thấp; (2) Tăng cường năng lực về ứng dụng công cụ số cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX, nông dân chủ chốt để giám sát và đề xuất các biện pháp canh tác lúa phát thải thấp và bền vững; (3) Truyền thông rộng rãi về công cụ theo dõi hoạt động sản xuất lúa và tính toán phát thải khí nhà kính FarMoRe tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Kết quả đã thực hiện được: 01 tài liệu tập huấn sử dụng công cụ theo dõi hoạt động sản xuất lúa và tính toán phát thải khí nhà kính FarMoRe và bộ slide đào tạo đi kèm; 01 video có nội dung hướng dẫn sử dụng công cụ theo dõi hoạt động sản xuất lúa và tính toán phát thải khí nhà kính; 26 lớp tập huấn gồm 01 lớp tập huấn cấp Quốc gia, 01 lớp cấp vùng, 12 lớp ToT, 12 lớp ToF cho 896 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp, thành viên tổ KNCĐ, hợp tác xã và nông dân 12 tỉnh/thành tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa (Tp. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); 01 chương trình truyền hình; 02 chương trình phát thanh; 03 bài báo và 03 tờ rơi, tờ gấp.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn các kết quả hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) được vận dụng và truyền thông rộng rãi góp phần nâng cao kiến thức số cho nông dân và cán bộ kỹ thuật, đồng thời nhân rộng các biện pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh và tăng mức sống hộ dân trồng lúa.
Hình ảnh tại một số lớp tập huấn:
|
|
Hướng dẫn thực hành công cụ FarMoRe tại tỉnh Long An |
|
|
Lớp tập huấn ToT tại tỉnh Kiên Giang |
Phạm Thanh Thuỷ - Trần Thị Diệu
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia