Theo đó, ngay từ đầu tháng 3 hầu hết các địa phương đã tập trung thống kê tổng đàn trong diện phải tiêm. Đặc biệt quan tâm, chú trọng tổ chức tập huấn cho đội ngũ thú y cơ sở nhằm nâng cao tay nghề và đảm bảo công tác tiêm phòng đạt chất lượng cao nhất.

Ngay sau khi có kế hoạch tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi của tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ huyện đến cơ sở đã tiếp thu nghiêm túc công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, trong đó thông báo cụ thể cho người chăn nuôi biết kế hoạch tiêm phòng, chính sách hỗ trợ vắc xin cho đối tượng gia súc, gia cầm, để người chăn nuôi biết, chủ động chấp hành.

Tại xã Đỉnh Bàn, việc tổ chức thống kê, rà soát lại đàn vật nuôi hiện có trên địa bàn được chính quyền địa phương đôn đốc thực hiện khẩn trương để kịp tiến độ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết: Rút kinh nghiệm của những năm qua, công việc ra soát tổng đàn nằm trong diện phải tiêm được xã quan tâm triển khai sớm. Trường hợp tổng đàn tăng hoặc giảm phải báo cáo kịp thời về Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện để tổng hợp báo cáo cho tỉnh, giúp chủ động cung ứng vắc xin. Song song với đó, cán bộ thú y xã đã hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trước khi triển khai tiêm phòng đồng loạt.

Do tổng đàn vật nuôi thường xuyên biến động nên Hà Tĩnh đã đổi mới trong cách tổ chức tiêm phòng, đó là yêu  cầu các địa phương chủ động rà soát và thực hiện tiêm phòng theo phần trăm tổng đàn. Cách làm này được khẳng định là sát với tình hình thực tế chăn nuôi của từng địa phương để từ đó các địa phương có sự chủ động, nâng cao trách nhiệm.

leftcenterrightdel
Chi cục Thú y tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật và tiêm phòng vắc xin điểm trước khi tiêm đại trà 

Huyện Đức Thọ là một trong những địa phương triển khai sớm công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi của tỉnh. Ông Hà Quang Thăng - PGĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Đức Thọ thông tin: “Đợt tiêm phòng này, huyện Đức Thọ sẽ triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin cho 11.000 con trâu, bò; 13.000 con lợn và hơn 150.000 con gia cầm. Bên cạnh muc tiêu đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thì chất lượng tiêm phòng được huyện hết sức quan tâm. Vì thế, cùng với việc rà soát tổng đàn, huyện cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm cho các bộ thú y xác xã để đảm bảo chất lượng tiêm phòng hiệu quả, giúp phát huy tác dụng của vắc xin và đàn vật nuôi phòng dịch một cách tốt nhất.”

Ông Trần Hữu Số - cán bộ thú y xã Tân Dân, huyện Đức Thọ cho hay: “Được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tiêm phòng, bản thân tôi cũng như nhiều cán bộ thú y khác một lần nữa được nắm bắt kiến thức cũng như tận mắt nhìn thấy và thực hành những vấn đề kỹ thuật tiêm; từ đó, rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. Qua đó, sẽ phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin khi triển khai tiêm phòng đồng loạt cũng như sẽ nâng cao chất lượng tiêm phòng.

leftcenterrightdel
 Các loại vắc xin đang được Chi cục Thú y chuẩn bị đầy đủ để triển khai tiêm phòng đợt 1/2023

Hà Tĩnh hiện có tổng đàn hơn 237.000 con trâu bò, 402.000 con lợn và trên 10 triệu con gia cầm. Mục tiêu tiêm phòng đặt ra là phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng đàn. Thời gian tiêm phòng đợt I năm 2023 sẽ được triển khai từ nay cho đến hết tháng tư. Các loại vắc xin cần tiêm cho đàn gia súc, gia cầm gồm: lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, dịch tả, tụ huyết trùng trên đàn lợn, bệnh dại trên đàn chó, vắc xin cúm trên đàn gia cầm.

Bà Nguyễn Thị Lệ Dung - Phó Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Tĩnh cho biết: Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin cung ứng cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng, cán bộ Chi cục Chăn nuôi thú y thường xuyên bám sát địa bàn, tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đôn đốc người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ, nơi có ổ dịch cũ bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định. Đặc biệt, khi người chăn nuôi bổ sung đàn, phải tiến hành tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời.

Chủ động tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất để  phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm. Tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự trách nhiệm, hiểu biết của bà con nông dân, chiến dịch tiêm phòng đợt 1 năm 2023 sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần giúp ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xã hội các địa phương và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh