Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên trao đổi và truyền đạt các kiến thức liên quan về marketing trong nông nghiệp; những vấn đề cơ bản về thị trường, phân khúc thị trường, xác định thị trường mục tiêu, kỹ năng cần thiết để phát triển thị trường; kỹ năng bán hàng; lựa chọn khách hàng mục tiêu; lập kế hoạch kinh doanh sản phẩm, cách xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường; giới thiệu những mô hình sản xuất kinh doanh về nông nghiệp có hiệu quả… Đặc biệt, các học viên được chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau về xác định rủi ro, thách thức, cơ hội trong lập kế hoạch và marketing trong sản xuất nông nghiệp; học hỏi được kinh nghiệm chế biến ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại, triển lãm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh lớp tập huấn

Ngoài thời gian tập huấn tại hội trường, các học viên còn được tham quan học tập thực tế tại mô hình xuất khẩu nông sản đến các thị trường Đông Âu, Châu Âu, Châu Á... tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, địa chỉ tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả thanh long tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh Nông sản sạch Bạch Đằng tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn.

Đoàn đã đến tham quan Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa địa chỉ tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đây là cơ sở sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu rộng 2.000 m2 với dây chuyền sơ chế nông sản, 4 kho bảo quản lạnh và nhiều khu đóng gói riêng biệt với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Hàng năm, Công ty thu mua tối thiểu khoảng 400 tấn vải, nhãn ở các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP cả ở Hải Dương, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên... để phục vụ xuất khẩu vải nhãn tươi vào thị trường các nước EU như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan... và Anh. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ thu mua khoảng 2.000 tấn vải, nhãn để chế biến cấp đông và các sản phẩm đóng hộp khác. Bên cạnh sản phẩm nhãn vải tươi, Công ty còn xuất khẩu sản phẩm bưởi, dứa cấp đông, cà rốt cấp đông.

Tại điểm tham quan, các thành viên của đoàn đã được làm phiếu khảo sát khảo sát thị trường tập trung vào các nội dung: yêu cầu của thị trường về các mặt hàng nông sản như vải tươi, cà rốt về kích cỡ, hình dáng, màu sắc, độ đồng đều, độ chắc, trọng lượng, độ tươi trong ngày sau khi thu hoạch, nơi sản xuất, khối lượng mua tối thiểu, phương thức thanh toán, thời gian bán, giá bán…

Bà Dương Thị Quỳnh - Phó Tổng giám đốc công ty CP nông nghiệp hữu cơ Fusa đã giới thiệu với đoàn khu sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu. Bà Quỳnh cho biết: Để quả vải tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đối với vải U phải có trọng lượng trung bình từ 25-28 quả/kg, đối với vải thiều chính vụ trọng lượng trung bình từ 30-40 quả/kg, độ chín 80%, tươi chín đồng đều, không nám, không rạn nứt, phải được thu sớm khi chưa có ánh nắng mặt trời, cho vào thùng xốp có ủ đá, được sử dụng nước sạch rửa, rửa sạch bằng dung dịch loại vi-rút, phân loại loại bỏ quả nứt, đóng túi 0,5 kg/túi.

Cà rốt để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần chia các kích cỡ size như size S từ 70-150 g/củ, dài từ 10-14cm; size M từ 200-220 g/củ, dài từ 14-18cm, màu sắc tươi sáng, không nứt, sâu thối, mắt đen, củ chắc thịt, không thối, khối lượng tối đa 350 tấn, độ đồng đều. Công ty liên kết với bà con nông dân cung ứng giống, phân bón và tư vấn kỹ thuật từng thời điểm của cây. Khối lượng thu mua của công ty từ 300 -500 tấn/vụ.

leftcenterrightdel

Đoàn tham quan Cơ sở sơ chế, đóng gói và bảo quản của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa 

Đoàn đã tham quan tại mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả thanh long tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh Nông sản sạch Bạch Đằng tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn. HTX được thành lập từ năm 2018 với 41 thành viên chuyên sản xuất loại cây thanh long ruột đỏ với quy mô 23 ha. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương thanh long ruột đỏ Bạch Đằng đã từng bước xây dựng được thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Thanh long ruột đỏ của HTX bán được giá cao và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng của người Bắc, khi có sản phẩm đã bán được giá cao từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Hiện nay, thanh long ruột đỏ Bạch Đằng đã mang đi chào hàng và được một số nước chấp nhận. Tuy nhiên do khối lượng sản phẩm không nên chưa đủ đơn xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh việc bán cho những người mua buôn, hiện nay HTX đã tiếp cận với các cửa hàng thực phẩm như bán hàng cho Cocofood, City mart… HTX được tham gia vào CLB Đổi mới sáng tạo Rau, Hoa Quả và thường xuyên giao lưu nên cũng có cơ hội tiếp cận được với một số nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA).

leftcenterrightdel
 Đoàn tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ áp dụng thắp đèn chiếu sáng tại HTX Bạch Đằng

Sau khi tham gia dự án Jica được đi tham quan ở một số địa phương thấy được mô hình sản xuất nông nghiệp có kết hợp với du lịch nông nghiệp là một hướng đi mang lại đa giá trị, có thu nhập cao hơn, hiệu quả hơn. HTX đã quyết định đề xuất với Chính quyền địa phương và địa phương nhất trí cho sản xuất thử mô hình nho. HTX đã phối hợp với Trường Đại học Bắc Giang để tiếp cận kỹ thuật trồng và chăm sóc nho. Hiện nay, HTX đã thử nghiệm nho 800 m2 và nhận thấy cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác, dự kiến sẽ mở rộng 1.500 m2. Mơ ước Bạch Đằng là sẽ trở thành một địa phương có ngành nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Thực tế cho thấy để sản phẩm nông sản tiêu thụ thuận lợi, cần phải đầu tư máy móc để sơ chế, cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và đa dạng cách thức bán hàng và cần có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền.

Tại các điểm đến tham quan, các thành viên của đoàn tham quan đều có những câu hỏi trao đổi tập trung làm rõ như mô hình tổ chức, các hình thức liên kết đầu ra sản phẩm có thuận lợi và khó khăn đối với một số loại nông sản ở trong tỉnh Hải Dương; phương thức làm du lịch hay cách thức kết nối là quảng bá thương hiệu của địa phương. Qua tham quan, trao đổi các thành viên đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm của các địa phương đến thăm và có những giải pháp triển khai về địa phương mình.

Lớp tập huấn được học viên đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như nội dung, chương trình. Đây là nội dung tập huấn rất bổ ích, cần thiết đối với các học viên để áp dụng thực tế trong sản xuất và tiêu thu sản phẩm nông sản. Thông qua lớp tập huấn, giúp các học viên được bổ sung, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác khuyến nông trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương