TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo trình bày tại hội nghị đã khái quát tình hình hoạt động khuyến nông sau 20 năm xây dựng và phát triển hệ thống khuyến nông đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; tích lũy nhiều kinh nghiệm, phương pháp hoạt động tốt; lực lượng khuyến nông ngoài nhà nước, bao gồm khuyến nông của các doanh nghiệp... cũng từng bước phát triển góp phần đa dạng hóa nguồn lực và phương pháp khuyến nông. Nhiều kỹ thuật công nghệ, mô hình quản trị nông nghiệp tiên tiến, các phương pháp khuyến nông hiện đai được giới thiệu và ứng dụng nhanh vào sản xuất, tạo điều kiện đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông. Trong giai đoạn 2011 - 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo ở trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn với các hình thức đa dạng, phong phú, bình quân mỗi năm tổ chức khoảng 250 - 300 lớp tập huấn ToT; tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ "Kỹ năng dạy học" cho trên 5.000 cán bộ khuyến nông. Hệ thống khuyến nông địa phương tổ chức khoảng 31.260 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu lượt nông dân, 2.200 cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ, gần 400 đoàn nông dân tham quan trao đổi kinh nghiệm...

Trong những năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông bám sát các chủ trương định hướng của ngành, thực tế sản xuất và nhu cầu của nông dân, thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin tạo sức lan tỏa và hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của chính phủ, hoạt động thông tin tuyên truyền đã tập trung vào các nội dung phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự phối hợp tham gia của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các sự kiện khuyến nông, chuyên mục tư vấn trên truyền thanh, truyền hình, internet, xây dựng tài liệu và ấn phẩm khuyến nông. Ở địa phương đã có các hình thức tuyên truyền khuyến nông sáng tạo và hiệu quả như: Câu lạc bộ khuyến nông, tủ sách khuyến nông, điểm tư vấn, hỏi đáp khuyến nông và quán "cà phê khuyến nông" tại Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang; "Nhịp cầu khuyến nông" trên truyền hình tại Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Đại diện lãnh đạo khuyến nông tỉnh Ninh Thuận thảo luận tại Hội nghị.

Đại diện lãnh đạo khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại Hội nghị.

Trong 4 năm qua, triển khai tích cực và có hiệu quả các dự án khuyến nông về xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường trên phạm vi rộng. Một số dự án khuyến nông tiêu biểu có hiệu quả cao được mở rộng nhanh ra sản xuất và tạo sự chuyển biến có sức lan tỏa nhanh như: Dự án phát triển sản xuất giống lúa lai F1 trong nước; Dự án cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính; Dự án phát triển kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò; Dự án phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi lợn gia cầm, thủy cầm an toàn...; Dự án phát triển nuôi tôm nước lợ, cá rô phi đơn tính đực theo VietGAP; ứng dụng thiết bị khai thác và công nghệ bảo quản sản phẩm tiên tiến trên tàu đánh bắt xa bờ...

Năm 2015 và những năm tiếp theo, hệ thống khuyến nông cả nước cần quán triệt, bám sát chủ trương và định hướng tái cơ cấu ngành, các chương trình, đề án trọng điểm của ngành nông nghiệp và PTNT để tham mưu, đề xuất các nội dung, dự án khuyến nông phục vụ trực tiếp cho các chương trình, đề án đó.

Một số nội dung đổi mới hoạt động khuyến nông giai đoạn 2015 -  2020:

- Trọng tâm khuyến nông ưu tiên thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa, chủ lực có lợi thế và có thị trường tiêu thụ của từng vùng, từng địa phương, đồng thời tiếp tục quan tâm khuyến nông đối với vùng sản xuất khó khăn, các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đổi mới nội dung hoạt động khuyến nông đồng bộ trên 4 lĩnh vực trụ cột: thông tin tuyên truyền; đào tạo huấn luyện; xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao; và tư vấn dịch vụ khuyến nông.

- Tăng tỷ lệ kinh phí đầu tư cho các hoạt động khuyến nông thường xuyên, tăng khả năng tiếp cận của dịch vụ khuyến nông của các hộ nông dân.

- Trong từng lĩnh vực khuyến nông, kết hợp chặt chẽ giữa các nội dung khoa học kỹ thuật và nội dung về kinh tế.

- Về kỹ thuật, công nghệ: Lựa chọn, tuyên truyền và trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ có ưu việt nổi trội, phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế - xã hội của từng địa phương, có khả năng nhân rộng trong thực tiễn.

Các đại biểu nhất trí cao với nội dung báo cáo kết quả hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 - 2014, phương hướng đổi mới công tác khuyến nông giai đoạn 2015 - 2020 phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới ở trung ương và địa phương. Đóng góp ý kiến sôi nổi về nội dung dự thảo "Thông tư hướng dẫn quản lý khuyến nông cơ sở" cùng các cơ chế chính sách về khuyến nông. Cụ thể các đại biểu đến từ các tỉnh: Ninh Thuận, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Lào Cai, Tp. Hồ Chí Minh và Lai Châu đã nêu ra một số bất cập trong quá trình thực hiện công tác khuyến nông, công tác quản lý hệ thống khuyến nông cơ sở, đề nghị cần có một cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ cho công tác quản lý khuyến nông cơ sở triển khai tốt trong thời gian tới.

Tổng kết Hội nghị, TS. Phan Huy Thông đánh giá các ý kiến đóng góp đã phản ánh được thực trạng công tác khuyến nông tại các địa phương trong tình hình hiện nay. Đổi mới hoạt động khuyến nông là một nhiệm vụ cấp bách, đề nghị hệ thống khuyến nông địa phương chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2015. Tăng cường công tác trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tư vấn giữa các đơn vị trong hệ thống nhằm mang lại kết quả hoạt động cao nhất. Đồng thời nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý khuyến nông cơ sở để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng hợp trình Vụ Tổ chức Bộ Nông nghiệp và PTNT ký ban hành.

Khuyến nông với vai trò phổ biến, chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đem lại sự thay đổi về năng suất, chất lượng, góp phần làm tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các loại nông sản hàng hóa. Trong thời gian tới, công tác khuyến nông đổi mới cả về nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình xây dựng nông thôn mới nước ta.

Thanh Thúy 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia