Theo báo cáo, hiện tại, trên địa bàn tỉnh tổng đàn lợn ước đạt 440.000 con. Trong đó: lợn nái và lợn đực giống: 42.500 con; lợn thịt: 300.700 con; Lợn con theo mẹ ước khoảng: 96.800 con; chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ chiếm khoảng 40%. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra với số tiền 977,6 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, do công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch.

 

Trước nguy cơ phát sinh dịch là rất cao do dịch đang diễn biến phức tạp tại một số các tỉnh tiếp giáp với tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thực hiện tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu phi đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên tập trung tiêm phòng cho đàn lợn thịt tại khu vực khu vực có nguy cơ cao, các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại (quy mô vừa và lớn) chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh.

 

Sau khi nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo và ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu dự họp, đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch bệnh; Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động giám sát tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; khi có ổ dịch phát sinh thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo quy định. Hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với các địa phương, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương