Quảng Nam:

Ngành nông nghiệp Quảng Nam đang cùng với chính quyền, hội đoàn thể các cấp trên địa bàn của 18 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh tập trung kiểm soát dịch bệnh trên động vật; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nội dung trong Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tái đàn theo đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho từng loại bệnh.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường giám sát dịch bệnh tại những khu vực có dịch, có nguy cơ cao xảy ra dịch. Song hành với khâu phòng chống dịch bệnh, Quảng Nam tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan; phối hợp đẩy mạnh kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên toàn tỉnh...

Ông Nguyên Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh phấn đấu không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân. Theo thống kê, hiện trên địa bàn có 7 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 7 xã thuộc 4 huyện Bắc Trà My (2 ổ dịch), Quế Sơn (2 ổ dịch), Nam Giang (2 ổ dịch) và Núi Thành (1 ổ dịch). Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 51 con, tổng trọng lượng 2.175 kg.

leftcenterrightdel
Đàn lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi 

Quảng Ngãi

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15 xã, phường, thị trấn của các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ. Để kịp thời ngăn chặn bệnh lây lan và bùng phát trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh dịch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Gia đình ông Lê Hữu Nghĩa tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành vừa phải tiêu hủy đàn lợn 13 con gồm 4 con lợn nái và 9 con lợn con do lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ông Nghĩa cho biết, khoảng 10 ngày trước, ông phát hiện 2 con lợn bỏ ăn, mệt mỏi, tím tái, sau đó thì chết nên đã gọi nhân viên thú y thị trấn Chợ Chùa đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả lợn nhiễm bệnh tả Châu Phi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tới lập biên bản và đào hố tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình.

Gần đây, có biết thông tin dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại một số địa phương nên khi thấy đàn lợn có biểu hiện lạ, ông Nghĩa nghi ngờ và báo cho cơ quan chức năng. Với 9 con lợn con, nếu chúng khỏe mạnh thì đợt này gia đình sẽ thu được khoảng 20 triệu đồng nhưng giờ thì mất trắng - ông Nghĩa chia sẻ.

Sau khi phát hiện dịch bệnh, huyện Nghĩa Hành đã họp bàn phương án phòng, chống dịch bệnh tốt nhất, hạn chế dịch lây lan ra diện rộng; đồng thời sử dụng nguồn hóa chất dự trữ phòng, chống dịch của địa phương để triển khai phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Các ổ dịch chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...

 Trong khi đó, thời tiết thời gian này tại Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, mưa nắng thay đổi liên tục nên mầm bệnh dễ lây lan, phát tán. Sức đề kháng của vật nuôi bị giảm, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan rất cao. Ông Phan Công Huân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành cho hay, hiện dịch xảy ra tại 7/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chính quyền địa phương đã tiêu hủy 188 con lợn.

Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt kinh phí mua hóa chất phun khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn với 96 triệu đồng. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền tình hình, diễn biến dịch bệnh, huyện khuyến cáo nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại - ông Huân nhấn mạnh.

Giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn châu Phi là tiêm phòng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng bệnh này trên địa bàn tỉnh còn thấp; trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tiêm được khoảng 49.000 liều/tổng số khoảng 400.000 con lợn vì người dân còn e ngại tính hiệu quả của các loại vaccine mới dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo sử dụng.

Do đó, song song với triển khai thực hiện hiệu quả biện pháp kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, Chi cục cũng tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đấu thầu cung ứng vaccine tả lợn châu Phi, từng bước mở rộng quy mô tiêm phòng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung cho hay./.

Trịnh Bang Nhiệm - Đinh Hương