Chuyến hàng này được Công ty Tiến Ngân thu mua từ vùng nguyên liệu mía của huyện Lạc Sơn và được sơ chế đóng gói ngay tại khu sơ chế của công ty, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và các điều kiện sơ chế đóng gói xuất khẩu.

Sau nhiều mùa vụ khảo sát thực tế vùng nguyên liệu mía của tỉnh Hòa Bình, năm 2022 Công ty Tiến Ngân đã xuất khẩu sản phẩm mía trắng cấp đông sang thị trường các nước EU và Hàn Quốc với số lượng gần 100 tấn. Quá trình triển khai xuất khẩu, Công ty đã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn, các HTX và bà con nông dân trồng mía cẩn trọng nắm bắt nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu để thực hiện quản lý, sản xuất, sơ chế, đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn đề ra. Công ty cũng cho biết, phản ứng của khách hàng tại các nước EU và Hàn Quốc đối với sản phẩm mía của Hòa Bình rất tốt, nhu cầu thị trường nhập khẩu những năm tới sẽ rất cao. Dự kiến năm 2023 công ty sẽ xuất khẩu từ 300 - 500 tấn mía sang thị trường các nước Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan..., triển khai xây dựng vùng nguyên liệu mía phục vụ xuất khẩu tại huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, đạt chuẩn các yêu cầu về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật cũng như các yêu cầu của nước nhập khẩu.

leftcenterrightdel
Lễ xuất hàng chuyến công-ten-nơ mía đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ 

Tại tỉnh Hòa Bình, diện tích mía hiện nay có khoảng 7.000-8.000 ha/năm, trong đó diện tích mía ăn tươi (mía tím và mía trắng ép nước) khoảng 6.500 ha. Vùng trồng luôn được cơ quan chuyên môn kiểm tra giám sát, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm mía mềm, ngọt và có vị thơm riêng biệt so với các giống mía ở vùng khác.

Những nỗ lực cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị, ngành chuyên môn đã mở ra hướng phát triển mới cho cây mía Hòa Bình. Từ những thành công bước đầu trong xuất khẩu, nhằm quản lý - phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu mía của tỉnh vươn tầm quốc tế; thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai có hiệu quả quy định của Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về cấp và quản lý mã số vùng trồng, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu mía của tỉnh; hỗ trợ đánh giá, chứng nhận VietGAP, Global GAP, OCOP, an toàn thực phẩm... đáp ứng tiêu thụ trong nước và sẵn sàng phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm mía ăn tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ là động lực và tạo đà để các nông sản tiềm năng khác của tỉnh Hòa Bình hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính. Thông qua đó tạo sức hút hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây mía và các sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh; ngày càng khẳng định được chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu nông sản nói chung và sản phẩm mía nói riêng của tỉnh Hòa Bình trên thị trường quốc tế./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình