Lào Cai: Cần thu hút doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm chè
Cập nhật lúc 17:01, Thứ tư, 09/08/2023 (GMT+7)
Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh Lào Cai có 7.533,8 ha chè, trong đó có 5.080 ha chè kinh doanh, 2.451,8 ha chè kiến thiết cơ bản. Trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè, bao gồm 10 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã, công suất đạt 200 tấn chè búp tươi/ngày; tại địa phương hiện có 350 lò chế biến mi-ni hộ gia đình.
Các doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất, kí hợp đồng thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho người dân. Đặc biệt với diện tích chè cổ thụ đem lại thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao đối với người trồng chè
Các doanh nghiệp, nhà máy và cơ sở chế biến nhỏ lẻ đã góp phần thu mua, chế biến toàn bộ sản lượng chè búp tươi cho người dân. Phần lớn sản lượng chè đã qua chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu, một phần nhỏ lưu thông thị trường trong nước. Tình hình tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi tương đối ổn định. Các sản phẩm chè trong tỉnh chủ yếu được các doanh nghiệp/HTX/ cơ sở thu mua đưa vào chế biến với khung giá ổn định 7.000 - 8.000 đồng/kg, sản phẩm chè cổ thụ được thu mua giá 25.000 - 35.000 đồng/kg. Sản phẩm chè sau chế biến được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Quốc, Ả rập Xê út và Ấn Độ với giá 2-2,5 USD/kg, tỉ trọng xuất khẩu chiếm 83% tổng giá trị xuất khẩu chè, nhưng do ảnh hưởng các yếu tố tác động trong 6 tháng đầu năm giảm tỉ trọng so cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, giá chè nhập khẩu từ các thị trường chính trên thế giới đều ở mức cao, tuy nhiên giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức thấp, bởi nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Để tháo gỡ cũng như đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường lớn có nhu cầu cao cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 02 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận HACCP, ngoài ra có một số doanh nghiệp đang làm thủ tục chứng nhận GMP để đưa vào thị trường Pháp, Mỹ với sản phẩm chè cổ thụ địa phương giúp nâng cao giá trị diện tích chè cổ thụ, cũng như giá trị kinh tế với các hộ dân có diện tích chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm chè xuất khẩu dự báo giá giảm từ 1-5% so với cùng kỳ năm 2022, do tỷ trọng xuất khẩu có sự thay đổi trong năm 2023 chè xuất khẩu sang thị trường Châu Á (Trung Quốc, Ả rập Xê Út và Ấn Độ) tăng, sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ giảm. Chè chế biến xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu tới thị trường Nga, một lượng nhỏ đã đưa vào thị trường Pháp và Mỹ nhưng do ảnh hưởng tình hình chiến sự giữa Ukraina và Nga đã tác động tới kết quả xuất khẩu đến châu Âu. Mặt khác, chè xuất khẩu tới châu Mỹ giảm mạnh, do xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ, trong khi trị giá xuất khẩu tới thị trường này giảm mạnh (do lạm phát). Tình hình tiêu thụ trong nước suy giảm mạnh do kinh tế sau đại dịch Covid kéo dài, cũng như ảnh hưởng lạm phát./.
|
|
Các hộ dân thu hoạch chè tại xã bản Xen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai |
Thúy Hợi
Chi cục Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản Lào Cai