Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, trong 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã đào tạo được 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Đội ngũ qua đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hành hóa, tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn và cải thiện chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, thu nhập đầu người tăng từ 16,64 triệu đồng năm 2010 lên 39,9 triệu đồng vào năm 2019.

Tuy nhiên đề án vẫn còn một số tồn tại như bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và khung chương trình đào tạo nghề đã có chủ yếu là kỹ thuật sản xuất cơ bản, thiếu các nghề trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, quản trị doanh nghiệp…; Tỷ lệ cấp chứng chỉ đạt 31%, thấp hơn so với yêu cầu là 70%; Thiếu hình thức dạy nghề trực tuyến.

Định hướng cho việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong giai đoạn tới, ngày 17/6/2020, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ra quyết định số 2246/QĐ-BNN-KTHT về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 1 triệu lao động nông thôn, trong đó 70% lao động được cấp chứng chỉ; ưu tiên đào tạo lao động làm việc trong các nhà máy, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, HTX và trang trại. Nhiệm vụ đào tạo ưu tiên các nghề trong các lĩnh vực công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, HTX và các dịch vụ phúc vụ sản xuất và kinh doanh nông nghiệp./.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia