Là vùng đất ngập mặn ven biển, qua thời gian được phù sa bồi đắp, cùng với bàn tay cải tạo của con người, ngày nay Hải Đường đã trở thành một vùng quê trù phú. Đất nơi đây rất phù hợp và thuận lợi để trồng các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, nghề trồng cau vườn ở đây cũng rất phát triển do cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với chất đất nơi đây và đặc biệt không tốn chi phí chăm sóc, lại cho năng suất rất cao.
Nghề sấy cau khô xuất hiện ở Hải Đường cách đây khoảng chục năm và phát triển ngày càng mạnh do thuận lợi vì có nguồn nguyên liệu sẵn có, thị trường tiêu thụ rộng, giá bán ổn định. Xã Hải Đường có 26 xóm thì có tới 10 xóm có nghề sấy cau khô với 12 xưởng sấy, trong đó nhiều xóm có tới 2 - 3 xưởng. Các cơ sở này hoạt động nhộn nhịp nhất từ tháng 9 đến tháng 12 do đây là mùa thu hoạch cau chính trong năm. Cau tươi được lái buôn thu mua tận gốc với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau đó bán lại cho các xưởng sấy với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trung bình cứ 5 kg cau tươi thì sẽ thu được 1 kg cau khô. Cau sấy khô dễ bảo quản và có thể bán quanh năm. Cau khô được xuất khẩu với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg. Ngoài thị trường trong nước, mỗi năm Hải Đường còn xuất khẩu sang Trung Quốc hàng nghìn tấn cau khô dùng làm nguyên liệu sản xuất kẹo cau cung cấp cho các xứ lạnh.
Nghề sấy cau khô góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của xã nông thôn mới Hải Đường. Nghề sấy cau không vất vả, thu nhập lại ổn định nên thu hút nhiều lao động trong xã. Các xưởng sấy cau tạo việc làm cho hàng trăm lao động không chỉ trong xã mà còn ở các xã lân cận. Thông thường, mỗi xưởng sấy cần từ 10 - 15 nhân công chọn, luộc, sấy cau và 30 - 50 nhân công đi thu mua cau. Thu nhập của mỗi nhân công chính từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Xưởng sấy cau của ông Bùi Văn Thịnh (xóm 8B) là một trong những cơ sở sấy cau lớn và hoạt động lâu năm nhất ở Hải Đường. Với 3 lò luộc, 200 ô sấy khô với 80 lao động, mỗi năm xưởng của ông Thịnh sản xuất 70 - 80 tấn cau khô, doanh thu đạt từ 12 - 14 tỉ đồng. Năm nay cau được mùa, số lượng cau tươi thu mua được rất lớn, cơ sở này đã "đỏ lửa" liên tục từ đầu tháng 9 cho tới tận bây giờ. Ngoài sấy cau, ông Thịnh còn kết hợp ươm cây cau giống để cung cấp cho người dân trong và ngoài xã.
Ông Nguyễn Văn Điện (xóm 19) sản xuất 40 - 60 tấn cau khô mỗi năm, thu lãi ròng 400 - 500 triệu. Ngoài ra, xưởng sấy của gia đình ông Hoàng Văn Tập (xóm 21) cũng là một trong những xưởng sấy làm ăn phát triển. Không chỉ thu mua cau của người dân trong xã gia đình ông còn tận dụng đất vườn và đất bờ xung quanh ao cá để trồng cau phục vụ cho sản xuất. Với 300 cây cau, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được từ 7 - 8 tấn cau tươi.
Hiện nay, không chỉ có Hải Đường mà nghề sấy cau cũng đã lan sang một số xã khác của huyện Hải Hậu như: Hải Phong, Hải Phú, Hải Giang… Cùng với sự phát triển của các nghành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong xã, nghề sấy cau khô đã và đang có những đóng góp đáng kể phát triển kinh tế của địa phương, góp phần xây dựng Hải Đường thành điển hình nông thôn mới của toàn quốc.

TD